Đóng lại!  Bạn chưa là thành viên của Blog 12B TVT. Hãy click vào đây để đăng ký làm thành viên và tham gia viết bài nhé!

Part II: what’s rock

[ 2008-11-25 23:24:12 | Tác giả: bvl91 ]
Cỡ chữ: Lớn | Bình thường | Nhỏ

Nhạc rock là một thể loại âm nhạc thường được trình diễn bởi các nhạc cụ chính như guitar, guitar bass và trống, ngoài ra còn có các nhạc cụ bộ phím và bộ hơi (như saxophone, trumpet, trombone...). Rất khó định nghĩa chính xác nhạc rock cũng như các dòng nhánh của nó.
Nhạc rock hay Rock-and-roll bắt nguồn từ âm nhạc của người da đen bao gồm nhạc Blues, Jazz kết hợp với âm nhạc phương Tây như nhạc country. Nhạc rock liên tục phát triển từ khi hình thành thập niên 1950. Trong quá trình phát triển, nhạc rock có xu hướng thu nhận vào mình những thành tố mới để luôn tạo ra sự mới mẻ cho mình.

Như chúng ta đã biết, rock (hay còn gọi là rock 'n' roll) là kết quả của sự pha trộn giữa hai thể loại rythm and blues của người Mỹ da đen (mà rythm and blues vốn là một biến dạng của nhạc jazz) với thể loại country của người Mỹ da trắng. Những bài country Mỹ với chất dân ca Kelt có nguồn gốc từ Anh đã làm cho rock có tính giai điệu rõ ràng và màu sắc sáng sủa hơn.

Rock kế thừa những đặc điểm từ rythm and blues là: dùng tiết tấu với việc nhấn lệch phách, trọng âm không rơi vào phách mạnh (hoặc phần mạnh của phách) mà rơi vào phách yếu (hoặc phần yếu của phách). Hoà thanh có nhiều nốt không nằm trong trật tự chồng quãng 3; các hợp âm 7, 9, 11, 13, nốt nghịch không cần chuẩn bị và cũng không cần giải quyết. Về nhạc cụ, nó sử dụng bộ gõ (trống jazz) và 3 guitar điện (sau này có bổ sung thêm organ, có khi là 1 cây kèn) với âm lượng cực mạnh, tạo cho khán giả niềm phấn khích lớn và sự hưng phấn nhảy múa không cưỡng lại được. Lối hát đặc trưng với giọng khàn khàn đôi lúc có những tiếng hú hét, tiếng rít... đối lập với lối hát bel canto trong nhạc cổ điển. Nhạc công và ca sĩ với cách diễn xuất sôi động tạo sự hòa nhập giữa khán giả và nghệ sĩ, có khi cả nghệ sĩ và khán giả cùng hát, cùng nhảy. Đặc biệt không gian biểu diễn thường là những phòng hòa nhạc lớn hoặc trên các quảng trường, sân vận động với hàng ngàn, hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn người tham gia. Để âm thanh át tiếng ồn và đến với người nghe, dàn nhạc và người hát thường sử dụng hệ thống tăng âm cực mạnh và mở hết công suất.

Đó là những đặc điểm nổi bậc của rock từ khi nó hình thành vào thập kỷ 50 của thế kỷ 20. Trải qua quá trình phát triển, cho đến ngày nay, rock rất đa dạng và phong phú về sắc thái với nhiều nhánh nhỏ với những đặc điểm nằm chính trong tên gọi của nó: slow-rock, soul-rock, hard-rock, metal-rock, folk-rock, jazz-rock, sympho-rock...

Rock không chỉ là một thứ âm nhạc với những đặc trưng hình thức dễ nhận thấy của nó ở khắp thế giới, rock còn là một cách thể hiện bản thân của một thế hệ - thế hệ trẻ hoặc đã từng trẻ nhưng còn luyến tiếc ngọn lửa nồng nàn một thời - dẫu thời gian đã trôi qua cùng bao nhiêu nước chảy dưới chân cầu Thăng Long hay cầu Sài Gòn. Rock là một phong cách sống, một style đầy quyến rũ dù các rocker hay rockfan chẳng mấy ai định nghĩa được thấu đáo nội hàm của phong cách ấy, style ấy. Về chuyện này thì rocker Việt hay rockfan Việt khá giống nhau nên chúng ta có thể dùng một từ “rockfans” cho tất cả, người biết chơi nhạc cụ hoặc có giọng hát đứng trên sân khấu và đám đông cuồng nhiệt cổ vũ bên dưới. Thậm chí đám đông kích động như nhập đồng kia còn có vai trò quan trọng hơn cả các rocker trong việc hình thành một thế giới rock đích thực - những người có thể đốt cháy cả cổ họng lẫn tâm can mình trong cơn phấn khích mà chỉ cần có các dòng thác âm thanh như muốn xé màng nhĩ và một … không khí!

Không khí ấy là cái vỏ của “tinh thần rock” - một khái niệm xã hội học nhiều hơn là một khái niệm nhạc học. Vậy còn “tinh thần rock”? Các rockfan không muốn biết và không cần biết đến nó. Âm nhạc là một loại hình nghệ thuật duy cảm dẫu các nhà nghiên cứu có cố công tìm ra mối liên hệ nền tảng giữa âm nhạc và toán học, cũng như các khuynh hướng âm nhạc hiện đại muốn giảm thiểu vai trò của xúc cảm và đề cao lý trí trong sáng tác và thưởng thức. Thế nên, rockfans đầu tư nỗi đam mê của mình vào không khí rock là chính, chứ không phải cho nhạc rock, âu cũng là điều dễ hiểu. Việc bàn cãi về bất cứ điều gì xung quanh rock chỉ dành cho các nhà lý luận và những người … không yêu rock!

Rock thứ thiệt giống như một cơn bão, càng đi vào bên trong nó càng khó giữ được thăng bằng bởi tốc độ, cường độ cũng như các cơn xoáy giật của gió. Để có thể thoát khỏi một cơn bão, hoặc là phải tránh xa ngay từ đầu hoặc đi hẳn vào tâm cơn gió xoáy mà người ta gọi là mắt bão. Ở vùng trung tâm ấy, chúng ta cũng có thể chóng mặt và … đứt hơi nếu không dịch chuyển cùng tốc độ với cơn bão. Vì thế, những phân tích lý tính về rock chỉ có thể có khi chúng ta không nghe, không xem rock và không phải là tín đồ của rock, nghĩa là được miễn trừ khỏi không khí rock!

Nhưng nếu không xem rock (ở đây cũng có thể nhập làm một chuyện nghe rock và xem rock, bởi nếu không đứng trong đám đông cuồng nhiệt của một buổi trình diễn rock mà chỉ nghe rock qua CD hay xem rock qua video-clip thôi thì không phải rockfans thứ thiệt) thì lại chẳng thể hiểu gì về rock chứ đừng nói là cảm nhận rock. Điều đó có nghĩa, rock là một trải nghiệm. Cũng như tình yêu. Ai chưa từng yêu, chưa từng say đắm, khốn khổ, dày vò vì một mối tình hạnh phúc hoặc bất hạnh thì không thể nói gì về tình yêu.

Cũng như tình yêu, rock là một trải nghiệm của tuổi thanh xuân. Khi chúng ta già đi, những đam mê thời trai trẻ của chúng ta cũng dần dần lão hoá. Chỉ một số ít người giữ được ngọn lửa nồng nàn đã thiêu đốt tâm hồn mình từ lúc thanh xuân đến khi tuổi đời xế bóng, và đó là những con người hạnh phúc. Và cũng như tình yêu, những trải nghiệm của chúng ta trong đam mê âm nhạc cũng có diện mạo của thời đại mà chúng ta sống. Ở nửa cuối thế kỷ 20, đối với nhiều người trẻ, trải nghiệm ấy mang hình thái rock.

Như vậy, rock là một khái niệm thời gian tính. Chúng ta có thể được miễn trừ khỏi nó khi chúng ta không còn trẻ hoặc nếu chúng ta không gắn kết niềm đam mê âm nhạc của mình với chính đời sống của rock, với thuở thiếu thời hay tuổi trưởng thành của nó vì chính nó cũng là một sinh thể có sinh có diệt. Thế kỷ 19 không biết rock là gì cũng như thế hệ trẻ Việt cuối thế kỷ 21 được miễn trừ niềm đam mê ca trù chẳng hạn, cái mà cha ông họ từng có. Rồi đây, rock sẽ đi vào bảo tàng lịch sử âm nhạc của nhân loại, và các thế hệ trưởng thành sau chúng ta sẽ tìm thấy một hình thái âm nhạc khác để thể hiện bản ngã, niềm đam mê cũng như năng lượng sung mãn cần được giải phóng của mình.

Mặt khác, rock còn là một khái niệm không gian tính. Rock chỉ là rock trong một khung cảnh nhất định, một môi trường nhất định. Những phẩm chất âm nhạc của rock chỉ có thể là chính chúng trong một cấu trúc, một tương quan chặt chẽ với các thành tố đồng đại khác. Nhắc con cá ra khỏi nước, chúng ta sẽ không còn con cá đó nữa mà chỉ có thể là một tiêu bản khô queo của nó. Các thành tố ấy là gì, cũng như khung cảnh của rock, môi trường của rock là gì?

Câu chuyện sẽ quá dài và có thể triển khai đến những lĩnh vực rất xa bên ngoài phạm vi âm nhạc. Nhưng trả lời câu hỏi này cũng là giải đáp một “công án” tưởng như đơn giản: “Thế nào là rock?”

Tản mạn về 1 số thể loại rock

Einsturzende Neubauten

Ngày nay, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp rất nhiều khái niệm về alternative trong âm nhạc. Không có một định nghĩa rõ ràng cho alternative, nó ám chỉ thứ âm nhạc hậu-punk xuất hiện sau sự lụi tàn của new wave vào khoảng những năm 1983-1984, chính thức được coi là dòng chảy chính vào khoảng năm 1995 và tiếp tục phát triển với vô vàn những nhánh khác nhau cho tới tận ngày nay. Điều đáng chú ý nhất ở alternative là cách nó đã thực hiện để cải biến lại lịch sử của rock 'n' roll, hợp nhất các "dòng suối" vào một "dòng sông" lớn.

Alternative có gốc rễ từ punk, new wave và hardcore, nó cũng gợi nhắc cả đến những dòng nhánh khác đặc biệt là pop từ những năm 1960 và heavy metal. Nhưng thứ văn hoá bao trùm trên tất cả của alternative được nảy sinh từ những vận động của punk. Gốc rễ của alternative bắt đầu từ cuối những năm 1960 với những ban như The Velvet Underground, Iggy & the Stooges, MC5, The Silver Apples... Những ban nhạc này "nấu chảy" nghệ thuật, nung nóng sự say mê cùng với những lý tưởng chống đối bằng những yếu tố của rock 'n' roll. Các xu hướng này tiếp tục được phát triển trong những năm 70 với David Bowie, T-Rex, Can, Kraftwerk, Television và the New York Dolls... Tất cả những nhóm này đều có những ảnh hưởng lớn tới sự hình thành của punk rock vào khoảng 1976 - 1977.

Punk rock có ảnh hưởng lớn tới âm nhạc alternative bởi ý tưởng "tự tay làm tất cả". Nói một cách khác nó tách âm nhạc khỏi ý tưởng của các ban nhóm "khủng long" với thứ rock sử thi hoành tráng, nó trao sáng tạo nghệ thuật vào tay những con người chỉ cần có niềm đam mê mà dám làm những gì chưa từng có trong lịch sử âm nhạc cho dù rằng họ không phải là những tay phù thuỷ tài ba trên những cây đàn guitar. Vào những năm 1980, punk rock nhường đường cho new wave...

R.E.M
Để đơn giản mọi thứ, có thể coi những ban nhóm đầu tiên bắt đầu cho alternative tại Mỹ là R.E.M và Husker Du, tại Anh là The Smiths. Những ban nhóm này đều được thành lập vào cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980. Trong những ngày đầu này, alternative duy trì địa phận hoạt động của mình tại những câu lạc bộ và hộp đêm nhỏ, những hãng đĩa độc lập, những đài phát thanh tại các trường học. Cũng thỉnh thoảng có những ca khúc nhảy vào MTV hay Top 40 nhưng thành công về thương mại của alternative vẫn chưa có gì khả quan.

R.E.M bắt đầu có những ảnh hưởng đầu tiên về thương mại và âm nhạc vào năm 1983 với Mummur, album nhận được những tán dương từ các nhà phê bình và lọt vào Top 40 và kéo theo sau đó là hàng loạt những ban nhóm guitar-pop từ phương Nam. R.E.M bứt phá ngoạn mục năm 1987 với Document. Thứ âm thanh guitar rung réo và giọng ca rì rầm đã được hâm mộ một cách bất ngờ trên mọi đài phát thanh tại các trường học. Trong khi R.E.M có được thành công và sự ngưỡng mộ lâu dài thì Husker Du lại sớm tan rã khi chưa kịp với tới những nấc thang của sự thành công lớn, nhưng những âm thanh thô ráp, ầm ĩ, với những cú riff dễ nhớ kiểu punk pop của nhóm lại có ảnh hưởng lâu dài đến những thế hệ sau này như Nirvana. Theo chân những kẻ tiên phong này là đội quân đông đảo: Sonic Youth, The Minutemen, The Meat Puppets, Dinosaur Jr... Họ là những ban nhóm có ý thức về bản thân trong âm nhạc hơn cả R.E.M và Husker Du, họ tạo nên thứ âm nhạc rock 'n' roll kiểu punk ồn ào, một thứ alternative luộm thuộm.

Cuối những năm 80 có một xu hướng khác cũng phát triển mạnh mẽ với những ban nhóm như: Front 242, Einsturzende Neubauten và KMFDM là những kẻ tiên phong của thứ industrial alternative. Thứ âm thanh ầm ĩ, dày đặc được chèo lái bởi những nhịp phách khít chặt trở thành thứ vật liệu chính của alternative trong quãng thời gian này với sự lên ngôi của Ministry và Nine Inch Nails. Industrial alternative thất thế vào đầu những năm 90.

Green Day

Xu hướng mới thay thế chính là thứ punk (ảnh hưởng từ The Stooges) và heavy metal được đánh bóng trở lại. Sau sự lên ngôi của âm nhạc industrial và những âm thanh guitar-pop thì thứ punk pop sắc nhọn của The Pixies và heavy metal hoành tráng Jane's Addiction là 2 âm thanh phổ biến của alternative rock. The Pixies đem punk ngắn gọn thô ráp trở lại cho alternative, âm nhạc của ban tạo nên sơ đồ cơ bản cho nhiều nhóm sau này như Nirvana, Pavement, Weezer... Còn Jane's Addiction thể hiện một kiểu âm nhạc gây sốc với những cảm xúc mới trong thứ heavy metal vốn bị coi là chậm chạp của Led Zepplin và Black Sabbath. Nhóm có được những đánh giá tích cực và sự ngưỡng mộ cần thiết.

Những năm 90, thế giới chứng kiến bước chuyển lớn nhất của alternative rock. Thứ âm nhạc grunge từ mảnh đất Seattle đã thoát ra khỏi thế giới ngầm. Soundgarden là ban nhạc đầu tiên được hoan nghênh tại Mỹ và Mud Honey được ca ngợi hết lời tại Anh. Tất cả những Soundgarden, Mud Honey, Pixies, Jane's Addiction và R.E.M tạo nền móng cho Nirvana bứt phá vào năm 1991. Nirvana đã đặt đòn bẩy của những thành công sau này của alternative về mặt thương mại, mở toang cánh của cho thứ âm nhạc hậu-punk pop, đặt ngang hàng những Pixies, Sonic Youth, Soundgarden với Beatles; đánh bật Dangerous của Micheal Jackson ra khỏi vị trí Top của các bảng xếp hạng.

Cùng tiến lên vị trí vàng với grunge vùng Seattle còn có thứ funk metal của Red Hot Chili Peppers và Primus. Dù cho Nirvana đã góp phần đưa Pearl Jam, Stone Temple Pilots, Greenday, Offspring lên đỉnh của những bản xếp hạng thì đó cũng không phải là cách xoá đi những yếu tố "ngầm" - underground của alternative rock mà chỉ đơn giản là làm cho thứ âm nhạc này bùng phát trên diện rộng. Đáng kể còn có Beastie Boys, một ban nhạc không thành công đáng kể về thương mại nhưng lại tạo nên được thứ âm nhạc đa văn hoá - thống trị alternative trong suốt nửa sau những năm 90.

Sau grunge là trào lưu punk mới hồi sinh được châm ngòi từ Green Day, Offspring và trào lưu đến từ bên kia lục địa - Brit pop góp mặt với những Suede, Blur và Oasis. Album thứ 3 của Green Day Dookie với những âm thanh cơ bản "tân trang" lại từ thứ power pop mang dấu vết của Clash và The Jam tiến vào bảng xếp hạng mùa hè năm 1994, và chỉ một năm sau nó đã tiêu thụ được trên 8 triệu bản... Nó tạo nên sức sống mới cho đến tận ngày nay cho một loạt những ban nhóm punk mới ra đời như Blink 182, Sum 41...Từ năm 1992 trở đi, thứ alternative từ Anh bất chợt chiếm được cho mình một khoảng thời gian cho những thành công vang dội. Được khởi đầu bởi Suede với album mang tên nhóm năm 1992 mang thứ âm nhạc pha trộn thứ glam rock với những âm thanh guitar của The Smiths và sự am hiểu pop, album này trở thành album bán chạy nhất trong lịch sử ghi âm Anh, đưa alternative Anh vào dòng chảy chính thống với 2 ban nhạc xuất sắc: Blur và Oasis.

Khi mà Brit pop mất đi thế mạnh của mình, thứ classic rock của các cựu binh không còn gây nên những tò mò nơi thính giả, thế giới giờ đây đang chứng kiếm sự ra đời của một thứ alternative rock mới: Nu metal. Có thể chia tạm những ban nhạc metal mới ra làm hai dòng chính: một là những ban nhạc rap, hip-hop metal với những đại diện lớn như Korn, Limp Bizkit; hai là những nhóm metal mang ý tưởng gothic với đại diện là Orgy và Coal Chamber. Nhưng sự phân chia này cũng chỉ là tương đối vì giờ đây ngày càng xuất hiện những nhóm nhạc mới mà người ta gọi chung chung là alternative metal. Chỉ biết một điều rằng cả thế giới chợt nhào theo những âm thanh quái đản, những cây đàn bảy dây, những chiếc turntable dành cho DJ và những thứ văn hoá trước đây vốn rất kỵ với rock như rap, hip-hop.

Alternative rock được miêu tả dễ hình dung nhất với hình ảnh một cái cây mà càng ngày những nhánh cành của nó càng nhiều hơn. Bản chất của alternative là một dòng chảy ngầm với vô vàn những bất ngờ tiềm tàng, ngay cả đến bây giờ alternative cũng chia ra vô cùng nhiều bè phái. Có những nghệ sỹ cho đến giờ vẫn kiên trì theo đuổi mục tiêu ban đầu của alternative, họ chỉ hoạt động với những hãng đĩa độc lập nhỏ bé với lượng thính giả vừa đủ (Indie rock). Bên cạnh những dòng nhánh đang phát triển mạnh mẽ cũng luôn tồn tại những dòng nhánh khác đang âm ỉ chờ ngày bùng phát. Hãy lắng nghe alternative và đón chờ những bất ngờ trong lịch sử nhạc rock..

Hard Rock/Heavy Metal

HEAVY METAL bắt đầu từ bao giờ thật là một điều không dễ trả lời ngay. Theo hầu hết các niên sử của dòng nhạc metal, sự bộc phát đầu tiên đến từ ban nhạc THE KINKS (63) tại Luân đôn với bài "You really got me" và ban nhạc THE WHO (64) với bài "My Generation". Nhạc sĩ chơi thể loại Heavy Metal đầu tiên mà ai cũng đồng ý là Alice Cooper với ban nhạc THE SPIDERS hình thành năm 1965 . Tuy nhiên, cho đến năm 1967, Heavy Metal vẫn chưa được diễn đạt trung thực và cái tên Alice Cooper mới được in đậm trong trí nhớ của thế giới mãi đến năm 1971 qua đĩa nhạc "Love it to death".

Trong năm 1967, thế giới nhạc ROCK vẫn đắm chìm với phong trào hippies Summer Of Love, một mùa hội diễn âm nhạc và là một bằng chứng của một cuộc cách mạng âm nhạc quan trọng với sự xuất hiện hầu như đồng loạt của các ban nhạc sau đây trong những năm 1966-1970:

GOLDEN EARING, CREAM, THE JIMI HENDRIX EXPERIENCE, LED ZEPPELIN, VANILLA FUDGE, IRON BUTTERFLY, STEPPENWOLF, BLUE CHEER, DEEP PURPLE, GRAND FUNK RAILROAD, FREE, URIAH HEEP, MOUNTAIN, HUMBLE PIE, BLOODROCK, MC5, BLACK WIDOW, ATOMIC ROOTSTER, CACTUS và BLACK SABBATH.

Họ đã gây cho thế giới một ấn tượng về Heavy Metal mà ngay ban đầu 2 ban nhạc IRON BUTTERFLY(66) và STEPPENWOLFF(67) đã làm. Thứ nhất là việc điểm lại các dĩa nhạc đã hình thành; thứ hai, dựa vào câu "Heavy Metal thunder" trong bài kinh điển nổi tiếng "Born To Be Wild". Và thế là một loại nhạc mới, có nguồn gốc từ ROCK & ROLL và BLUES đã chiếm được ảnh hưởng vào thế hệ trẻ thời ấy sau khi đã mệt mỏi với những phần trình diễn chậm chạp, uể oải của những ban nhạc chơi trong thời kỳ Summer Of Love.

Trong những ban nhạc mới ra, CREAM(66) và JIMI HENDRIX EXPERIENCE (67) là những ban nhạc đầu tiên mang đến cho dòng nhạc Heavy Metal lợi nhuận cao. Ẻic Clapton là một nhạc sĩ kỳ tài của ban nhạc CREAM cùng với tài năng của 2 thành viên khác đã tặng cho người nghe những bản nhạc đi vào huyền thọai như “Sunshine Of Your Love” và “White Room”. Chỉ trong vòng 2 năm và qua 4 tập dĩa, CREAM đã trở thành ban nhạc thành công nổi bật có ảnh hưởng như RUSH và VAN HALEN. Khi ban nhạc tan rã, Eric Clapton đã cùng với Ginger Baker lập ngay một ban nhạc mới là BLIND FAITH. Trong khi đó, JIMI HENDRIX EXPERIENCE cũng là một nhóm tam tấu mà nền nhạc của họ chủ yếu dựa trên những thủ thuật đánh đàn ghi-ta tài tình của Jimi Hendrix. Các tập dĩa như "Are you experienced" và "Electric Ladyland" đã lôi cuốn hàng nghìn người hâm mộ đang lên cơn đói nhạc. Họ ngấu nghiến thỏa thuê những âm điệu đó qua ban nhạc vừa kể tên mà trong thời đó vẫn thường được nhắc đến đồng thời với JANIS JOPLIN (69) và THE DOORS, những thành phần vô tử của nhạc Rock trên thế giới.

Trong số nhiều ban nhạc mới ra đời trong thời gian này có SAVOY BROWN, FOGHAT và BAD COMPANY chuyên chơi điệu "blue", BUDGIE với âm thanh sống động nẩy lửa cũng như UFO đã được sinh ra trong sự phát triển bùng nổ của Heavy Metal. Những ban nhạc khác như STATUS QUO xuất hiện từ năm 67 cũng thay đổi tiếng đàn sao cho hợp với thời “sắt thép”. Năm 1973 các ông vua Heavy Metal mới thực sự chiếm lĩnh thế giới âm nhạc, đó là các ban LED ZEPPELIN, DEEP PURPLE và BLACK SABBATH.

Hình tượng Sa-tăng đến từ 2 ban nhạc Anh vừa kể trên: Black Sabbath và Led Zeppelin. Cá nhân Jimmy Page (trước kia chơi trong ban nhạc THE YARDBIRDS cùng với Jeff Beck và Eric Clapton) nay là nhạc sĩ chơi ghi-ta của Led Zeppelin có vẻ được lôi cuốn đặc biệt về sự huyền bí này trong khi các lời nhạc của Sabbath chứa đựng chủ đề này nhiều hơn. Tuy thế, ban nhạc này không tự xưng là thuộc hạ của Sa-tăng; không giống như các ban nhạc metal sau này. Chính Ozzy Osbourne, ca sĩ của Sabbath, đã có khi than phiền vì hoảng sợ trước những "fan" mặc đồ đen, trên tay là những ngọn nến!

Kể đến những lần trình diễn ngòai trời của nhiều ban nhạc, đáng chú ý nhất là Led Zeppelin với phần "rock till you drop" (rock cho đến gục ngã) kéo dài khoảng 2 tiếng và các buổi trình diễn vĩ đại của Alice Cooper, nổi tiếng với nét đặc biệt của con trăn quấn cổ, những màn xẻ, cắt đôi, bẻ đầu các người mẫu giả mà ngay cả chính anh ta cũng tham dự! Hầu hết các ban nhạc đều lên sân khấu, mang những tác động âm thanh “vĩ đại hơn cả cuộc sống” vào phần trình diễn của mình trước một rừng người nóng hực như biển lửa.

Những năm đầu ít ỏi của Heavy Metal (vì tính chất tiền phong nên được mệnh danh là CLASSIC METAL sau này) được xem như là một thời đại tuyệt diệu nhất của dòng nhạc. Không có gì để nghi ngờ đấy là một đoạn đường đáng nhớ nhất của lịch sử âm nhạc. Heavy Metal trở lại khi Led Zeppelin, ban nhạc nổi tiếng nhất về loại nhạc này, đã sáng tác những bài kinh điển như "Black Dog" và “Kashmir” năm 75 và cũng khá sáng chói trong việc thử nghiệm các loại nhạc khác như REGGAE và FOLK. Thực tế thì bài sau đây đã được công nhận đóng một vai trò thành công lớn cho Heavy Metal: "Stairway to heaven" qua kỹ thuật sáng tác tuyệt hảo của Page và Robert Plant mà cho đến ngày nay vẫn được phát thường xuyên qua các làn sóng điện.

Tuy nhiên, phải nói là cho đến năm 1970, ban nhạc BLACK SABBATH mới gọi là đã tấn phong cho Heavy Metal một "linh hồn" thực sự. Ảm đạm, u sầu, âm thanh hệt như đang giã nát với chiếc cối xay, như là muốn báo trước một điềm gỡ nào, các tập dĩa "Black Sabbath", "Paranoid" và "Master of Reality" đã bày tỏ một loại nhạc mang đầy chất tinh quái qua ngón đàn của Tonny Iommi và sự trình diễn của Ozzy Osbourne, Bill Ward và Geezer Butler với các bài kinh điển như "N.I.B.", "Paranoid" và "Children of the Grave". Các ban nhạc như CORROSION OF CONFORMITY, METALLICA và NIRVANA đều có ảnh hưởng của loại nhạc metal này. Bộ mặt của lọai nhạc mới hầu như không bao giờ có thể giống như thế từ khi ban nhạc gốc Birmingham này ra đời. Trong khi đó, Deep Purple, sau một thời gian miệt mài với thể loại Progressive Rock cùng với Rod Evans và Nick Simper, đã xây dựng được một phiến đá vững chắc cho nền nhạc rock qua đĩa "Deep Purple In Rock" (70) và đã trở thành một sứ giả thực sự trong việc cải cách âm nhạc. Thực sự là với các ngón đàn của Ritchie Blackmore hòa nhịp với tiếng đàn synthesizer của Jon Lord và tiếng gào thét chói tai của Ian Gillain đã là phần quyết định chủ yếu cho việc phát triển Heavy Metal ngày nay.

Trong những năm giữa thập niên 60, có 6 ban nhạc mới xuất hiện dưới ánh đèn mầu: THE BLUE OYSTER CULT, THIN LIZZY, JUDAS PRIEST, QUEEN, AEROSMITH và KISS. Có thể nói rằng ban nhạc Judas Priest là tiền phong trong việc truyền bá sáng kiến đưa 2 tay đàn guitars vào ban nhạc Heavy Metal; Aerosmith thì mang lại cho thính giả điệu blues buồn, tình dục và ma túy; Thin Lizzy chơi nhạc dưới ánh sáng tân kỳ lấp lóe với điệu nhạc; Queen giới thiệu cho ta một trình độ có thể cho là cao cấp trong việc thử nghiệm trong âm nhạc cũng như đổi mới những giai điệu, tiết tấu hùng hồn cùng với tính chất kiêu kỳ của Progressive rock. Ban nhạc Kiss cách mạng hóa những buổi trình diễn rùng rợn gợi lại trong ký ức khán giả về Alice Cooper. Còn ban nhạc Blue Oyster Cult thì sao? Họ đã biến mất trong sự lãng quên sau một lọat các tập đĩa phát hành trong những năm 80. Nhưng trong những năm 70 êm đềm trôi qua của Blue Oyster Cult, ban nhạc này đã trở thành một phần quan trọng của vũ đài HARD ROCK vì đã phối hợp thật tuyệt vời các giai điệu nhạc của thập niên 60 và tiếng đàn ghi ta khô, thô ráp của họ.

Trong khi một số các ban nhạc chuyên lo củng cố danh tiếng của mình là những tài danh vĩ đại của dòng nhạc rock, các ban nhạc khác đã bắt đầu biến chế loại nhạc mới Progressive rock qua một hướng khó khăn hơn. PINK FLOYD và GENESIS hầu như vẫn đứng ngòai vương quốc của Heavy Metal, trong khi các ban nhạc JETHRO TULL, YES và KING CRIMSON đã làm quen với Heavy Metal nhiều hơn qua những bài như "Aqualung", "Heart of the Sunrise" hoặc "21st Century Schizoid Man" một cách tương ứng. Được tiêu biểu bởi các kết cấu nhạc phức tạp, phần soạn nhạc khác thường và cách sử dụng nhạc cụ điện tử cao cấp, lọai nhạc Progressive metal chắc có lẽ không bao giờ trở thành hiện thực nếu không có ban nhạc RUSH ra đời. Với album đầu tiên của Rush, tuy lúc ấy chưa được gọi là Progressive, nhưng trong thời gian thâu âm dĩa "Fly By Night" (75) và thành công của tay trống Neil Peart, ban nhạc đã thay đổi vị trí và tỏ niềm khát vọng hơn qua lời nhạc và giai điệu, đưa chất Progressive cho đến biên giới xa nhất qua các dĩa như "A Farewell to Kings" và "Hemispheres". Nhiều ban nhạc Progressive khác như EMERSON, LAKE AND PALMER; FOCUS; ASIA, IQ và MARILLION chỉ làm quen sơ sài với Metal trong suốt thời gian hiện diện của họ.

Thật là đáng tiếc, Heavy Metal đã bị đình trệ hoàn toàn trong cuối thập niên 70. Aerosmith, Thin Lizzy và Black Sabbath bị chìm đắm trong ngục tù của ma túy, Kiss đánh mất vẻ đẹp của âm nhạc qua việc thương nghiệp hóa quá độ, Deeep Purple bị phai nhòa vì việc lo toan thay đổi nhân sự, Led Zeppelin chấm dứt sự nghiệp qua cái chết của tay trống John Bonham; chỉ còn Judas Priest và Queen là đứng vững trong thời gian này. Không chỉ là những ban nhạc có tiếng biến mất dần dần mà vài ban nhạc mới cũng chỉ lóe lên một thời gian ngắn rồi tắt; người ta nói Metal đang nằm ngắc ngỏai trên giường bịnh. Tuy thế, một vài ban nhạc nhỏ nhoi vẫn phát đạt trong kỳ đổ nát này, trong đó phải kể đến AC/DC với tay đàn Angus Young nghiêng ngả đảo điên trên sân khấu và RUSH với giọng rít thất thanh như tiếng động cơ máy bay của Bon Scott. Ted Nugent, thành viên cũ của ban nhạc AMBOY DUKES, đã viết nên những tác phẩm quý giá như “Cat Scratch Fever” và “Double Live Gonzo” trong những năm chót thời 80. Nhóm của anh vì thế đã là một trong những ban nhạc sáng giá nhất còn lại. Dĩa “Ritchie Blackmore´s Rainbow” lại là một album sau cùng hòa nhịp với sự ra đi của thập niên 80 như bước chân của Ronnie James Dio rời khỏi ban nhạc trong sự xao động của bản thân mà anh đã cảm hứng hòan thành qua đĩa “Rainbow Rising” và “Long Live Rock

Punk

(Theo noiloan.info)

Nếu gọi Metal là anh cả thì PUNK chính là cậu em trai đã kịp thời cứu nguy cho tấm phông Rock trên sân khấu không bị hạ xuống vĩnh viễn. Một số lượng ban nhạc mới không nhỏ đã xuất hiện, dùng âm nhạc để chống đối chủ nghĩa, chính quyền cũng như những gì đang xảy ra trong cuộc sống. Họ mang lên sân khấu những bài hát nhuộm thẫm sự giận dữ điên cuồng mà thanh niên thời đó gọi là chính đáng. Phong trào nổi lên rầm rộ suốt thời 60 cho đến đầu những năm 70 với những ban nhạc Punk đầu tiên là IGGY & THE STOOGES, MC5 và THE NEW YORK DOLLS. Các ban nhạc của Mỹ và Anh theo sau đã gây cuồng phong trên thế giới phải kể đến là THE SEX PISTOLS, THE RAMONES, THE CLASH, THE DAMNED, SIOUXSIE AND THE BANSHEES cũng như nhiều ban ít tiếng tăm hơn đã góp gió thành bão là THE PAGANS, DEAD BOYS, UK SUBS, THE MISFITS, CRASS, THE EXPLOITED, AMNEBIX và PLASMATICS. Sự đóng góp lớn nhất của Punk vào sân khấu Punk/Heavy Metal có thể là lối nhảy "slamdancing" phổ biến, sự phục hưng một âm thanh đầy sinh lực và sự tuyên truyền rộng rãi chống lại những hành vi sai trái của xã hội (như một tiếng vang lại các ca khúc của Black Sabbath chứa đựng trong những bài như "Children of the Grave" và "War Pigs").

3 ban nhạc Punk quan trọng nhất đáng nhấn mạnh một lần nữa là IGGY & THE STOOGES, THE RAMONES và THE SEX PISTOLS. Các thành viên trong ban nhạc với Iggy Pop không thiếu sót một điều gì trong việc làm kinh ngạc khán thính giả vì sự cuồng nhiệt quá độ của họ, đến nỗi chính Iggy Pop cũng phải công nhận rằng họ chỉ chịu đựng nhiều lắm là 15 phút qua phần gào thét cuồng dại của Iggy. Ban nhạc của New York là THE RAMONES có những bài hát khinh suất, táo bạo không ngờ, gây ấn tượng và ảnh hưởng mạnh cho các ban nhạc sau này như THE RED HOT CHILI PEPPERS và NIRVANA. THE SEX PISTOLS đáng được gọi là ban nhạc PUNKROCK trứ danh nhất trong mọi thời đại. Các sáng tác của họ nổi tiếng với những lời chỉ trích như trong bài "God Save The Quen" hoặc “Anarchy In The UK”. Tuy nhiên, qua lần trình diễn tại Mỹ năm 1978, ban nhạc này đã tự diệt thanh danh khi tay đánh bass Sid Vicious bị tố cáo đã giết người yêu là cô Nancy Spunge và sau đó đã tự tử trong một cơn say ma túy. Sự kiện này đã đưa Vicious vào danh sách các "liệt sĩ" đáng hổ thẹn của dòng Punk, Sex Pistols tan rã, Punk- Rock bắt đầu suy thoái và chỉ còn hoạt động phần lớn lặng lẽ cho đến thập niên 90.

Trong khi Punk quyến rũ được số lượng lớn thanh niên, một ban nhạc cuồng nhiệt khác cũng đã bắt đầu tác động vào giới trẻ, đó là MOTÖRHEAD. Ban này được biểu thị cho sự bắt đầu của những thể lọai Thrash/Speed/Power Metal và sau này biến thể thành thể loạiDeath Metal. Từ đĩa phát hành đầu tiên của Motörhead năm 1976 là “On Parole” họ đã biểu lộ rõ tiềm năng không hề vay mượn của mình trong những đĩa phát hành những năm cuối của thập niên 70 và đầu 80 như là “Overkill”, “Bomber”, “Ace of Spades” và “No Sleep 'Til Hammersmith”. Những cống hiến này thực sự là đòn bẫy cho Metal Song nói chung. Hơn nữa, Motörhead không những đã thu hút nhóm nghe nhạc Metal một cách ngạc nhiên lý thú mà còn hấp dẫn cả các fan Punk bốc lửa và vì thế đã đánh dấu một sự khơi mào cho một biến thể khác gọi là Hardcore

New Wave of British Heavy Metal - POP METAL
(noiloan.info)
Trong khi Punk đang làm rung chuyển nền tảng của Rock & Roll thì Heavy Metal trở lại với JUDAS PRIEST, SCORPIONS, ACCEPT và phong trào đột phát ngắn ngủi New Wave of British Heavy Metal (NWOBHM). Cao trào có tính chất trọng đại này phát xuất từ Anh quốc với các ban nhạc được hồ hởi đón chào như DIAMOND HEAD, DEF LEPPARD, HOLOCAUST, IRON MAIDEN, SAXON, SAMSON, TYGERS OF PAN TANG, VENOM, RAVEN và SWEET SAVAGE. Trong những ban nhạc vừa kể chỉ có IRON MAIDEN và DEF LEPPARD tồn tại lâu dài; SAXON thành công cực kỳ nhưng chỉ trong một giai đọan thật ngắn. JUDAS PRIEST muốn đại chúng hóa các sản phẩm đồ da, giầy ống, đinh đóng làm biểu tượng cho nhạc Metal; SCORPIONS thì biểu dương tài năng qua một loạt các đĩa thành công rực rỡ như “Virgin Killer”, “Lovedrive” và “Blackout” với cả hai sở trường đồng thời là Ballad và Heavy. Ban nhạc ACCEPT đã chứng tỏ tài năng vững vàng của họ và thể loại Proto-Power Metal qua các đĩa như “Breaker” và “Restless and Wild”.

Cùng thời gian đó, IRON MAIDEN đã mang lại hình ảnh huyền thoại của Heavy Metal qua các đoạn riff mạnh bạo trong các album như “Killers”, “Piece of Mind”, “Powerslave” và giữ vững thế đứng trong làng nhạc Hard Rock nhiều năm cho tới khi METALLICA xuất hiện. Trong khi tiếng bass của Iron Maiden trình bày vẫn ầm ầm như sấm (cộng với các đoạn riff là một sự phối hợp thường gọi là Classic Metal), ban nhạc VENOM đã giới thiệu một thể loại mới khác là Thrash Metal trong các đĩa “Black Metal” và “Welcome to Hell”. Có thể nói đó là nền tảng của thể nhạc Death và Black metal sau này. Trước đó, ban nhạc VENOM chỉ là một nhóm chơi nhạc không chính thức với tên gọi là Oberon, nay đã trở thành một ban nhạc cực mạnh trong thời kỳ này, cùng với MOTÖRHEAD, STAINED CLASS và RIOT với âm thanh mạnh mẽ khác thường đã truyền cảm hứng cho các ban nhạc mới nổi như METALLICA, EXODUS, SLAYER và MANTAS (sau này là DEATH). Những ban nhạc này đạt tới một lối chơi riêng biệt thật sinh động và tốc độ thật nhanh.

Vai trò của New Wave of British Heavy Metal tuy hiện hữu không bao lâu cũng đã được đánh giá cao hơn là việc kích thích được sự phục hưng thể loại Heavy Metal tại Anh quốc. Nó đã mang lại sức sống cho tuổi trẻ sẵn tràn đầy sinh lực, một sự sáng tạo phong phú không ngừng cho âm nhạc, tạo ra một sức truyền cảm mãnh liệt, một con đường cho Heavy Metal tiến hóa suốt thập niên 80. Với các ban nhạc sử dụng riff là cơ bản như JAGUAR, WITCHFYNDE kiểu cách, DIAMOND HEAD tài nghệ không lường, ANGEL WITCH tiềm tàng đầy năng lực, WITCHFINDER GENERAL với âm thanh nặng trĩu cùng xuất hiện trong thời kỳ này đã báo hiệu một vị trí vững chắc của Heavy Metal và đảm bảo sự tiến triển không ngừng của nó trong thế giới âm nhạc.

Tại Mỹ, cũng trong thập niên 80, thể loại Pop/Glam Metal đã bùng nổ biểu hiện như một sự trả miếng cho sự kiện vừa nói trên. VAN HALEN có mặt từ năm 1978, đã gầy dựng được một ban nhạc chuyên chơi ngoài trời tại các sân vận động, làm mê đắm thế giới qua tiếng đàn phù thuỷ của Eddie Van Halen và những màn trình diễn cuồng nhiệt của David Lee Roth. Ban nhạc JOURNEY nổi tiếng với tiếng đàn keyboard đã bán hàng triệu dĩa kể từ khi ra đời năm 1972. Các ban như ANGEL và FOREIGNER bắt đầu thâm nhập làng nhạc metal trong khi MONTROSE đã vững chân đi vào huyền thoại. Thực sự các fan đã trông đợi và hài lòng với sự xuất hiện của MOTLEY CRUE và RATT xuất thân từ Los Angeles với những bản nhạc lôi cuốn qua những tiếng đàn ngọt dịu mang âm hưởng của các ban cựu trào Anh quốc như SWEET và T-REX. Ngoài ra, 2 ban nhạc Mỹ quốc này còn gợi đậm trong trí nhớ của khán thính giả hình ảnh không phai nhòa của ALICE COOPER, DAVID BOWIE, NEW YORK DOLLS, KISS và GARY GlLITTER. Nhưng trong số đó cũng có những ban nhạc Glam Metal lại tỏ ra quá hào hứng đến độ cái gì cũng đeo lên người, ngoài quần áo da còn có lưới đánh cá, băng quấn ngang trán, đế giày đầy đinh nhọn, kể cả trang sức phụ nữ (!) và phấn son loè loẹt. MOTLEY CRUE có lẽ là một trong những ban ngự trị trên đỉnh cao âm nhạc thể loại Pop Metal thời 80 mà năm 83 đã gây một thành tích vẻ vang cho phong trào Metal Los Angeles qua đĩa "Shout At The Devil". Sự thành công này đã mang Heavy Metal hoàn toàn trở lại trên thương trường đồng thời gián tiếp giúp đỡ cho ban nhạc RATT đã bị đẩy lùi vào bóng tối và TWISTED SISTER cũng như QUIET RIOT cũ kỹ trở về với vị trí sáng ngời của họ. Những bài "Round and round", "We're Not Gonna Take It" và "Cum On Feel the Noize" đã đưa đến thành công cho các ban nhạc đến khắp thế giới và có ai ngờ, đã lót đường cho một hiện tượng mới ra đời: BON JOVI.
Bon Jovi (83) thành công chỉ kém DEF LEPPARD (77) một hạng, đã bán hàng triệu đĩa nhạc này sang hàng triệu đĩa khác, nghĩa là đã sáng tác hết "top ballad" này đến "hit ballad" khác liên tục không ngừng. Đĩa "Slippery When Wet" và "New Jersey" của Bon Jovi đã gây sóng gió trở lại thế giới như DEF LEPPARD khi xưa với đĩa "Pyromania" và "Hysteria". Hai ban nhạc này đã thành công trong việc hòa hợp vị thô chát, chói tai của Metal với tính quyến rũ của âm thanh nhạc Pop tạo nên được một âm sắc hoàn hảo cho giới trẻ đang nghiền nhạc trên MTV thời ấy (dù nhiều ý kiến cho rằng Bon Jovi không phải thực sự là Metal). Trong khi đó, MOTLEY CRUE và RATT đã sáng tạo một phong cách riêng cho nhạc của họ được chứng minh qua tất cả đĩa được phát hành và đạt được thành công rất lâu dài. Điều ấy được ví như là bóng tối của Pop Metal cho dù họ chỉ làm mờ nhạt được những ban nhạc nào không chứng tỏ rõ ràng được thực lực ngang tài. Các ban nhạc như KIX, FASTER P U S S Y CAT và L.A. GUNS không hưởng được một chút vẻ vang nào tuy đã phô trương lực lượng hết mình; trong khi KISS vẫn chứng tỏ được phong cách Pop Metal của họ như trong bài "Heaven's On Fire". Sau đó trong một thời gian dài, phong trào Pop Metal đã làm nhạt nhòa tiếng tăm của các ban nhạc có khuynh hướng và mang chút ít âm hưởng cổ điển như THUNDER, G.U.N và JUNKYARD. Kể cả THE CULT và JACKYL nổi lên đây đó như đang bềnh bồng trên mặt nước…

Tuy thế, Pop Metal dần dà trở nên quá "bình dân" và "hào nhoáng" quá độ nên cần một sức sống mới. Trong khi chính WHITESNAKE (77) là một ban nhạc Glam Metal bền vững từ thời 70 cũng dần dần cô đọng lại sự hiện hữu của mình và tàn lụi dần, người ta đếm lại trên đầu ngón tay và chỉ còn thấy BON JOVI, DEF LEPPARD và MOTLEY CRUE vẫn sống. Cục diện sân khấu bấy giờ cần một sự xuất hiện mới của một nhóm nào đó mà vẻ bóng loáng bề ngoài và sự dễ dãi quá độ là một điều không cần thiết, một ban nhạc nào đó chỉ cần nhô ra từ những con phố tối tăm và nhớp nhúa thôi. Và đó là GUNS n´ ROSES!
GUNS n´ ROSES là những gì mà Pop Metal đang khao khát chờ đợi. Đĩa "Appetite for Destruction" năm 87 là một loại sắt nung cháy bỏng, khô, chai cứng qua tiếng đàn ghi-ta của Shash đượm đầy nét blues và giọng ca của Axl Rose cất lên như cả thân người chỉ muốn treo tạm lên cây hoặc bám víu sơ sài vào cuộc đời này. Họ chen vào giữa ánh đèn sân khấu của các ban nhạc như HANOI ROCKS, THE ROLLING STONES và AEROSMITH với những bài như "Welcome to the Jungle", "Night Train" và "My Michelle" hoặc bài "Sweet Child O' Mine" thật là êm dịu. GUNS n´ ROSES đã vực lại được sự chú ý của thính giả và cứu nguy cho Pop Metal đang gần như bị dập tắt trên thương trường. Họ đã song song với MOTLEY CRUE làm chủ sân khấu trong khi DEF LEPPARD và BON JOVI đang tận hưởng sự nghỉ ngơi của mình rất dài lâu.

Sự xuất hiện của GUNS n´ ROSES không ngăn chặn các ban nhạc khác cùng đến. POISON và WARRANT là một trong những ban nhạc đáng kể trong số đó, mặc dù họ chẳng có gì hoàn toàn mới trong các sáng tác mà phải gọi là bình thường và dễ thuộc lòng, nhưng chính vì cách trang điểm và phục trang rực rỡ của họ đã gây chú ý và được phê bình rất kỹ. WHITE LION (83) cũng là một ban nhạc Pop Metal với các ca khúc hơi nhàm chán vì lập đi lập lại, tuy thế cũng có những bài gây xúc cảm mãnh liệt như là "Lights and Thunder", "If My Mind Is Evil" và "Leave Me Alone". Trong khi đó, người ta được thưởng thức một âm thanh dịu dàng của CINDERELLA qua một chuỗi những đĩa nhạc phát hành đều đặn, kể cả TESLA (85) cũng chơi nhạc giống như vậy. Tại Đức phải kể đến ban nhạc DOKKEN tràn đầy kinh nghiệm với tay ghi-ta George Lynch cùng với nghệ thuật trình tấu sống động cao độ mà ta không quên qua bài "Alone Again" chỉ chịu xếp sau bài "The Final Countdown" của EUROPE xuất thân từ Thuỵ Điển. Các ban nhạc như STRYPER, WINGER, GREAT WHITE, Mr. BIG, BAD ENGLISH, DAMN YANKEES và SLAUGHTER cũng góp phần hiện diện quan trọng trong vũ đài này. Nhất định không quên phải kể đến là ban nhạc SKID ROW với thành phần ban nhạc thay đổi như một trò mạo hiểm táo bạo sau sự thành công rực rỡ của đĩa nhạc đầu tay mang cùng tên ban nhạc.
Pop Metal còn đa dạng, mềm mại hơn khi các ban nhạc nữ bắt đầu xuất hiện nối tiếp sự nghiệp của THE RUNAWAYS (75) và GIRLSCHOOL (trong phong trào New Wave of British Heavy Metal). Danh tiếng của họ đã tạo dựng một chỗ đứng vững vàng cho phụ nữ trên sân khấu nhạc Rock. Cô ca sĩ kiêm nhạc sĩ ghi-ta Joan Jett và ban nhạc THE BLACKHEARTS thể hiện đầy sức hấp dẫn trong bài "I love Rock n' Roll", trong khi đó LITA FORD quyến rũ mọi trái tim qua bài "Kiss Me Deadly". Hai thành viên cũ của ban nhạc THE RUNAWAYS không còn nổi tiếng nữa nhưng họ đã cùng với cô ca sĩ Doro Pesch trong ban nhạc WARLOCK (83) tạo được một ảnh hưởng của mình cho nhiều ban nhạc nữ khác như VIXEN mượt mà nhung lụa, L7 với phong cách mới, PHANTOM BLUE (87) huyền ảo và DRAIN S.T.H. (97) với thể điệu đầy ảm đạm.

Ở một nơi khác trong dòng nhạc Rock nghe như đã vang lên âm thanh có phần "nặng" và chất chứa nhiều tính chất “truyền thống” hơn qua những ban nhạc đã tạo nên những huyền thoại trong suốt thập niên 80. Đó là BLACK SABBATH và Ronnie James Dio đã xuất hiện trở lại với dĩa "Heaven & Hell" và "The Mob Rules". Cả hai đĩa được đón nhận nhiệt liệt này cho thấy một thay đổi trong giai điệu du dương hơn cũng như thể loại trình bày. Trong khi đó, Ozzy Osbourne sau khi rời Black Sabbath đã hiến dâng cho những người ham mộ nồng nhiệt của mình những giai điệu không quên như trong dĩa "Blizzard of Ozz", "Diary of a Madman" qua tay đàn mạnh bạo nhưng tuyệt vời của Randy Rhoads. Sự huy hoàng của Heavy Metal còn phải dành một ngôi cho những ban nhạc mới xuất hiện như SAVATAGE, “những ông hoàng sắt” MANOWAR, CIRITH UNGOL và ARMORED SAINT với phong cách riêng của họ. Nhiều ban nhạc lừng danh của thời 70 cũng đã trở lại với nhiều mức độ thành công khác nhau, nhưng không tạo ra được một sự xuất hiện đồng bộ của nền nhạc metal tiền phong, phần lớn bởi vì họ đã đánh mất chất nhạc nguyên thủy của mình hay là chính những cảm xúc mạnh mẽ ban đầu nay không tìm lại được.

THRASH và POWER METAL

Trong khi Pop Metal bao trùm khắp nơi, các fan của MOTÖRHEAD và VENOM tỏ ra hoang mang khi nhận thấy Metal đã trở nên ngày càng "nhẹ" hơn. Điều đó cũng có nghĩa là đã để cho Pop Metal tiến dần vào dòng nhạc chính. Nhưng họ đã yên tâm nhanh chóng trở lại khi nghe làn âm thanh Thrash/Speed/Power metal trổi lên; dẫn đầu là ban nhạc METALLICA (81). (Power Metal đôi khi được tách rời ra nhóm thể loại này vì đặc điểm "epic" -sử thi- của bài nhạc). Metallica bắt đầu sử dụng kết hợp những đoạn riff phức tạp, giọng ca hệt như đang gầm gừ và dàn trống có hai bàn đạp để tạo ra một âm thanh kiên quyết và hung bạo mà vì thế không được chương trình phát hình MTV cũng như các đài phát thanh ủng hộ. Sau đó một thời gian ngắn, sự phát triển rất mạnh của MERCYFUL FATE và EXODUS (một ban nhạc Thrash Metal quan trọng của vùng Bay Area San Francisco) đã cùng với Metallica hội tụ các fan nghe nhạc "hard metal" lại gần nhau hơn.

Trong thời điểm này, có 3 ban nhạc khác cũng song hành với Metallica là MEGADETH, ANTHRAX và SLAYER. Megadeth được thành lập bởi Dave Mustaine (trước đàn trong ban Metallica) đã tạo ra một âm thanh mà sau này được mệnh danh là Techno-Thrash. Đặc điểm của lối chơi này là thay đổi nhiều nhịp điệu và các đoạn riff cực kỳ phức tạp làm nền cho giọng hát như “gầm gừ” của Mustaine. Trong khi đó, Anthrax chuyên chơi các đoạn riff như đánh tới tấp và thử nghiệm thể loại Rap. Slayer mạnh bạo hơn với những cú riff đập thật mạnh trong khi các thành viên khác khai thác triệt để cái gọi là "hình tượng Sa-tăng". Ban nhạc SUICIDAL TENDENCIES cũng đạt được mức độ thành công đáng kể với đĩa "Lights…Camera…Revolution" kết hợp chặt chẽ ảnh hưởng của thể loại Punk, Alternative, Rap với giọng ca như đang dạo chơi lang thang của Mike Muir. Nếu kể đến TESTAMENT, phải nhắc đến thời giữa những năm 80, họ đã thành công vang dội qua những đĩa như "Pratice What You Preach" và ngay cả đĩa "Souls of Black" dù không thỏa mãn yêu cầu của các fan hoàn toàn. Phải nhấn mạnh thêm, Testament đã được mệnh danh là 1 trong 4 ban gọi là "Big Four" (Tứ Trụ) của thể loại Thrash trước khi Slayer vượt qua mặt với tuyệt phẩm mà ai cũng cho rằng là một trong những đĩa nhạc Thrash hung bạo nhất đến nay: "Reign In Blood" (86).

Toàn bộ phông cảnh này sẽ bị hạ xuống từ lâu nếu không có sự ủng hộ của cả một hậu trường kỹ thuật vĩ đại mà các bài thử nghiệm (demo) và thu âm chính (record) được nhanh chóng trao đổi cũng như được phân phối khắp toàn thế giới. Các ban nhạc như EXCITER, OVERKILL, NUCLEAR ASSAULT, DARK ANGEL và một số ban khác tuy không nổi tiếng rầm rộ nhưng cũng được biết đến qua thể loại Thrash này đã tạo được sự phát triển của phong trào một cách mạnh mẽ. Thêm vào đó, ngoài các ban nhạc chiếm chủ lực trong vùng San Francisco Bay Area nói trên, nước Đức đã bồi dưỡng cho sự nhiệt tình sôi nổi toàn diện trên thế giới được gọi là quan trọng nhất trong bức màn Thrash Metal này với sự ra đời của những ban nhạc như DESTRUCTION, KREATOR, TANKARD và SODOM. Sự cung cấp tài năng cho phong trào này giống như là tiêm thêm một liều thuốc vào sự kiện mà thời đó được gọi là "Teutonic Thrash" (teutonic = thuộc chủng tộc Đức). Nhưng tóm lại, mặc dù thế, Thrash Metal vẫn chưa đạt được tuyệt đỉnh huy hoàng mà nó đang cố gắng phấn đấu…

Cuối cùng, năm 1986, Thrash Metal mới thành công thực sự với siêu phẩm "Master Of Puppets" của Metallica. Đĩa này đã mang lại một đĩa vàng cho họ sau khi bán được trên 500.000 đĩa. Sự kiện này đã phóng nhanh Slayer, Anthax và Megadeth vào quỹ đạo; kể như Thrash Metal đã hoàn toàn làm chủ trên thương trường. Câu trả lời cho Pop Metal đã thỏa đáp bởi sự hình thành một thể loại âm nhạc ác liệt nhất và nhất định không nhượng bộ! Tuy vậy, cũng giống như Pop Metal, có rất nhiều ban nhạc xuất sắc khác không đạt được đúng sự mong muốn của họ, thí dụ như FLOTSAM & JEZSAM, WRANTHCHILD AMERICA, SACRED REICH, ANVIL, CORONER và MEKONG DELTA. Họ đã sáng tác nhiều đĩa thật hay nhưng không bao giờ được ủng hộ đầy đủ. Ban nhạc VOIVOD cũng không được đón nhận hoàn toàn sau khi đã chuyển sang hướng Progressive Thrash Metal. Một thời gian sau đó, ban nhạc ANGEL RAT đã làm nổi bật một dòng âm thanh khác lạ đối nghịch với những ban sáng chói như DIMENSION HARTOSS và NOTHINGFACE, nhưng tiếc thay, họ không xâm nhập được thị trường như ước muốn.

Một khuynh hướng khác bất ngờ xảy ra trong những năm cuối thời kỳ 80 chiếm được ảnh hưởng sâu đậm trong làng nhạc chính là Power Metal. Đó là một thể loại dựa trên "tốc độ nhanh" và "âm thanh mạnh bạo" của Speed Metal kết hợp với những bài nhạc mang chủ đề có tính chất anh hùng ca (epic). Đặc trưng của Classic Metal vì thế như được nhân gấp bội. Power Metal có thể được chia thành 2 loại, căn bản là loại "American" mà điển hình là các ban như METAL CHURCH, SAVATAGE, JAG PANZER và MANOWAR. Một dạng khác bất chấp tỷ lệ phải có của tính chất "epic" nói trên kế thừa bởi Thrash Metal và vẫn nghiêng về phần trình diễn gay gắt, ác nghiệt hơn. Trong khi đó, Melodic Power Metal hay còn gọi là Power Metal của Âu châu là một thể loại tập trung vào sự kết hợp giữa "speed" (tốc độ nhanh) và "classic" (cổ điển), thỉnh thoảng chêm vào một chút cải tiến mà các ban nhạc như RUNNING WILD và đặc biệt là RAGE đã chơi. Tuy thế, Power Metal chưa được phổ biến rộng rãi cho đến khi đĩa "Keeper Of The Seven Keys" của HELLOWEEN (84) được tiêu thụ trên 1 triệu bản. Giọng ca của Michael Kiske làm mọi người sững sờ kinh ngạc! Anh đã đưa Helloween thành một hình ảnh riêng của Power Metal với những giai điệu, hoà âm không bao giờ quên được mà trước đây người ta tưởng chỉ nhận thấy qua Iron Maiden (76). Toàn bộ sự việc này tạo thành một chấn động thình lình cho Power Metal, gây cảm hứng cho những ban nhạc khác đồng loạt xuất hiện như BLIND GUARDIAN (8 và ICED EARTH (91) cũng như đã thúc đẩy các ban nhạc cựu trào Proto-Power Metal như RIOT (73) thích ứng ngay vào phong trào.

**************** Hãy cùng chia sẻ với bạn bè bằng cách ****************

Copy đường link dưới đây gửi đến nick yahoo bạn bè!

Bài Viết Ngẫu Nhiên:
  • Restoring Rhonda
  • Những trang web tạo Favicon trực tuyến !
  • Web Data Extractor v7.1 tìm hiểu mã nguồn của một trang web
  • Kỹ thuật phục hồi và chỉnh sữa ảnh.chm-29Mb (trọn cuốn)
  • Xilisoft All Products Keymaker Only
  • Skin đen trắng đơn giản
  • Changers + Themes -282in1-
  • Portable O&O 4 in 1
  • Những hệ điều hành trên nền Web hay WebOS tốt nhất hiện nay
  • Bộ chuyện cổ tích và ca dao cho bé

  • Hiện chưa có lời bình nào cho bài viết này.

    Gởi Ý Kiến
    Hình vui
    [smile] [confused] [cool] [cry]
    [eek] [angry] [wink] [sweat]
    [lol] [stun] [razz] [redface]
    [rolleyes] [sad] [yes] [no]
    [heart] [star] [music] [idea]
    Có thể dùng BBCode
    Tự nhận Link
    Hiển thị Smilies
    Ẩn comment
    Tài khoản:   Mật khẩu:   Đăng Ký?