Đóng lại!  Bạn chưa là thành viên của Blog 12B TVT. Hãy click vào đây để đăng ký làm thành viên và tham gia viết bài nhé!

[T.Ngắn] - Tận chốn ả đào

[ 2009-08-09 08:43:23 | Tác giả: bvl91 ]
Cỡ chữ: Lớn | Bình thường | Nhỏ

Ngày xuân tôi về quê Nguyễn Du, cũng là quê mình, viết được bài Tiên Điền, trọ trẹ cứ gọi liều là Truyện. Sau đó vượt non một trảng cát, xuống làng Cổ Đạm của Nguyễn Công Trứ, cũng viết liều là Truyện.

Cũng liều cả thôi, xưa các cụ đi viễn xứ đây đó, thấy người ta gọi tiểu thuyết, đoản thiên tiểu thuyết, đoạn trường thơ... cũng kệ, cứ gọi theo cách của mình.

Vẫn anh xe ôm giọng Nghệ trọ trẹ nhưng rất ấm:

- Chú về viếng cụ Nguyễn Du, thế nào cũng nên xuống viếng cụ Nguyễn Công Trứ. Hơn nữa chú định đi dự canh hát ả đào ngày xuân, thì phải trình cụ Nguyễn Công Trứ trước tiên mới đúng chớ!

Nói rồi cười vang. Thật là chất hài trí tuệ của vùng đất quê tôi. Đi nhiều, thấy rất hiếm.

Từ Tiên Điền đến Cổ Đạm, đi dọc biển, cát dợn dợn rất đẹp. Bãi dương cất giai điệu lạ lùng trong sóng biển. Bên trái là sông Lam, bến thuyền Giang Đình trong sương.

Rồi tiếp những lạch, những bến nhỏ gợi sự kiến tạo địa lý địa chất rất rõ về mạch máu của sông và biển cả. Những túp nhà ở đây mới lạ, nó như lều hát, xếp đặt không theo phong thủy, hướng ra mặt đường hoặc một hướng nào theo quy định.

Tự chúng rất ngăn nắp, nhưng tự do. Như anh chị này không phiền, không quay mặt nhìn ngó vào anh chị kia. Cứ vô tư thoải mái. Trách chi cụ Uy Viễn tướng công tìm ra lối hát ả đào ở cái làng Cổ Đạm này là phải. Ai đi qua đây cũng muốn dừng lại hát vài canh hát ả đào.

Chợ ở đây cũng rất lạ. Những lều chợ tranh tre lợp lá thấp nhỏ như chiếc bàn con, nằm sát mé sông. Các bà chao tay rửa được mọi thứ từ nước sông Lam.

Nghe đâu có thời chợ phiên vừa họp vừa diễn xướng ví dặm và ả đào luôn. Các cô, các bà bán mớ rau, con cá tươi rói nhưng tươi rói hơn là ánh mắt đưa tình. Ai đi qua chợ cũng thành khách đa tình. Hiểu cuộc đời này từ xưa không chỉ vật chất mà say lòng hơn là phi vật chất.

Đáng nhớ nữa là những sân đình bên chợ. Chợ nhỏ, sân đình nhỏ, chỉ như chiếu thờ, chiếu hát. Nhưng giữa cảnh trời sông biển Giang Đình, trong sương sông Lam rú Hống thì nó mở ra mênh mông vô tận mà thảy các sân khấu tầm cỡ đều không có.

Hiện đại mấy cũng không có. Từ xưa ở đây có ngôi đình nhỏ rất đẹp, rất thiêng. Nhiều thi nhân kẻ sĩ giấu mặt, giấu tên đi qua đây thường ém vào xó đình ngủ một đêm lấy cái “khước linh” rồi đi tiếp, đợi ngày làm bá chủ, làm thi bá xứ khác.

Nghe đâu cụ Nguyễn Công Trứ, ngay cả cụ Nguyễn Du cũng từng như vậy. Nhưng cụ Trứ thì nồng nhiệt, cụ Du thì thâm hậu đa tình nên cụ này giấu việc này đi, chỉ như dừng ở Giang Đình là đủ.

Đình này từ xưa có con ngựa đá trắng, cái bàn đá trắng và con chó đá nhỏ xíu cũng trắng. Nghe đâu con ngựa có công chở bàn đá từ xứ Phật xa lắc xa lơ đến đây để dân lấy mẫu bàn học. Con chó trắng thì làm việc canh gác sớm chiều. Từ khi có chiếc bàn đá trắng thì dân ở khắp vùng đây học rất giỏi.

Qua mấy cuộc binh đao dâu bể, đình chợ không còn, bến sông cũng không còn. Chiếc bàn đá thần diệu bị bom đạn hất xuống sông, hiện trôi dạt chẳng hiểu đến tận xứ sở nào.

Xứ sở nào được chiếc bàn đá dạt đến thì được hưởng lộc chữ nghĩa, lắm bậc tài, lớp con cháu học giỏi nên người. Con ngựa trắng về sau bị cụt một chân, nghe đâu bị bọn đạo chích khiêng đi mất. Riêng con chó đá thì nằm lại, nêu một bi ca lẫm liệt. Binh lửa không làm gì được, mãi đến mấy trận bom cấp tập chục năm trước thì nó vỡ vụn, không còn một hạt nhỏ xíu, hoà cả vào cát trắng...

Thuở bé có lần tôi được nhìn thấy chiếc bàn đá và có lần được sờ tay vào con chó trắng...

Con chó đá trắng có gương mặt và đôi mắt giống con chó vàng nhà tôi kinh khủng. Chúng tôi vẫn gọi là Vàng.

Mảnh đất Nghi Xuân dài như chiếc lưỡi thè ra ven biển. Trên này có Tiên Điền, Cổ Đạm... rồi xuống đến Đan Trường, Hội Thống.

Tuổi thơ dấu chân chị em chúng tôi đi vẹt mòn qua các trảng cát từ trường làng cuối huyện lên đến Tiên Điền, Cổ Đạm đầu huyện.

Năm tôi học lên lớp năm trường huyện thì nhà tôi trải qua một nỗi đau: Cô em gái út xinh đẹp lên 5 tuổi một ngày đột ngột ra đi trên bãi cát trắng. Con chó vàng nhà tôi ra nằm chết trên nấm mồ em.

Đó là sự kiện linh thiêng và huyền bí nhất tuổi thơ chúng tôi, cụ thể là chuyện con chó vàng có thật, khiến chúng tôi lớn lên dù thông minh tài ba mấy cũng khó nhập vào kiếp người, cảm thấy như kiếp người không thiêng bằng kiếp chó. Định đề đó thật là khủng khiếp.

Thú thật, ngày hai lần chân trần đi bộ qua trảng cát nóng bỏng, qua Cổ Đạm, Tiên Điền, có lần tựa vào con chó đá trắng và kê lên cả chiếc bàn đá, viết về cái chết của em gái và con chó vàng truyền kỳ. Tôi viết những mấy năm như thế đến mấy tập giấy.

Một điều tôi không dám nói với ai, vì sợ phạm chốn linh thiêng, chính trang giấy học trò đầu tiên dùng để viết truyện con chó vàng yêu quí này, vào một lần trốn học, tôi đã trốn vào đình chợ, kê lên bàn đá trắng, viết những dòng đầu tiên.

Viết được kín trang thì trời đổ bóng hoàng hôn, bóng hoàng hôn ở bến sông Cổ Đạm này chưa ở đâu có, nó làm ta như quáng như say. Tôi thất thần vào chợ, chợ vãn từ lâu.

Móc túi áo may có mấy miếng “khoai deo” là thứ “đặc sản” quê tôi, từ khoai lang luộc chín phơi khô, ủ vào lá chuối khô, mà lần nào đi học, mẹ cũng dúi vào túi áo phòng thân...

“Tác phẩm” đầu tay của tôi đã ra đời như vậy, đủ loại giấy, đủ thứ mực, nét chữ học trò... Đi đâu tôi cũng đem theo.

Đến ngày, nói như cụ Hải thượng Lãn Ông, tôi “thượng kinh”, học Đại học Văn khoa.

Tôi bước vào văn học, vào trường đại học, chỉ mang theo “tác phẩm” Con chó vàng ấy thôi. Tôi giấu nó trong ba lô, trong giáo trình, dưới giường ngủ... Giấu mãi, đến ngày có mấy bạn thân biết . Có bạn mách cho tôi một cách. Và tôi thực hiện ngay.

Cụ nhà văn nổi tiếng nhất nước lúc bấy giờ mà tôi được học ở ngay trường đại học của mình. Sách Cụ có nhiều ở thư viện. Cụ có chân dung đẹp, trán cao, mắt sáng, mũi có nét diều hâu nhưng lại hiền, dưới là bộ râu đen khó lẫn. Nhất là cá tính nhà văn không lẫn với bất cứ ai.

Tôi bỏ “con chó vàng tuổi thơ” vào cái túi vải thô mẹ may cho hồi nhỏ, giấu sau tấm áo bộ đội đại cán dày cộp mà cha sắm cho.

Xứ Bắc lạnh mà tôi vã mồ hôi. Nhà Cụ nhà văn ở phố trung tâm, nhiều bóng cây cổ thụ phía trước. Nhà có bậc cầu thang, dưới một dàn hoa treo lủng lẳng.

Lần thứ nhất đến, Cụ đang tỉa cây. Thấy Cụ lăm lăm cái kéo uốn hình cong nhọn như cái mũi diều hâu của Cụ, tôi thấy chưa ổn, ra về.

Lần thứ hai, nhìn kỹ vào trong, Cụ đang nằm khoèo bên chai rượu. Kiểu nằm nghiêng như các cụ xưa bên bàn đèn. Chưa ổn, về.

Lần thứ ba, Cụ vừa vuốt râu, vừa treo vật gì như chiếc cung nỏ cổ xưa mà Cụ vừa tầm được sau chuyến đi xa về... Càng không ổn.

Cuối cùng, nhân duyên của sự liều lĩnh. Tôi vừa đến, giấu cái túi vải như kẻ đạo chích, vén áo đại cán lau mồ hôi túa ra, thì Cụ tay cầm ba toong bước xuống. Cụ lên tiếng trước, lạ khấc:

- Chào anh!

Tôi sợ nhưng láu lỉnh:

- Bẩm, xin Cụ gọi là cháu thôi ạ!

Cụ thấy có sự bướng, cho là được. Đôi mắt sáng nheo lại cười nhân từ.

- Việc gì? Lại đọc văn hả? Biết ngay!...

- Bẩm, sao Cụ biết ạ?

- Nhìn anh, tôi biết...

Cụ tinh tường quá. Hỏi:

- Cháu ở đâu, làm gì?

Tôi thưa nơi học. Cụ bảo: Được. Lần sau quay lại.

Lần sau, Cụ vừa ngủ dậy trên chiếc xa lông gỗ mun kiểu cổ đen nhánh. Cụ đang rót trà.

- Quê đâu?

- Bẩm, Cổ Đạm, Nghi Xuân, Hà Tĩnh.

- Ả đào hả. Rất được!

- Học đại học Văn khoa hả? Các giáo sư như cụ Thảo, cụ Giầu có dạy anh không?

- Bẩm, có ạ!

- Được. Cho chén trà. Về học đi. Học xong quay lại đây.

Lần thứ ba, sốt ruột, tôi đến trước lời Cụ dặn. Cụ đang uống rượu một mình.

- Anh viết được. Sẽ được.

- Bẩm!

- Chỉ “bẩm” ba lần trước thôi. Bây giờ tôi và anh là đồng chí rồi, hiểu chửa?

Tôi “dạ”. Cụ gật đầu bảo được. Rồi Cụ đưa cho chén rượu nhỏ bằng chũm cau. Cụ bảo: “Thưởng anh chén rượu. Nhớ khi nào trở thành nhà văn nhớn thì cầm tập bản thảo này đến đây”. Tôi dạ, xin lui.

Cụ cầm ba toong tiễn ra cửa. Chiếc ba toong đen nhánh chỉ cho tôi lối thẳng xuống, Cụ nói như giật mình:

- Mà sao anh khởi sự bằng con chó vàng của nhà mình nhỉ. Được!

Đến ngày tôi thành cái gọi là nhà văn, nhớ lời dặn xưa thì Cụ không còn nữa!

Nhà văn nhân hậu, thường hay coi cuộc đời này chỉ là cái trò đùa, mà phán cho tôi độc chữ “Được”. Hỏi học gì: Được! Quê đâu, nhất là quê Cổ Đạm của ông Nguyễn Công Trứ: Được! Viết về chính con vàng nhà mình ra nằm chết trên mộ em gái: Được!

Vậy mà làng văn ồn nhau: Cụ là người đệ nhất khó tính, không ai dám đến gần. Còn nghe nhiều giai thoại thời nay của Cụ đối với quan trên, quan dưới, chẳng khác cụ Trứ xưa. Có khi còn ngang hơn. Cái ngang của thời nay mới hiếm.

Nhưng ngẫm kỹ như từ một thằng bé là tôi thì quả Cụ đáng sợ thật. Cả mấy lần, Cụ như người hoá. Lần đầu mang bản thảo đến, Cụ bảo để đấy vài năm, học xong đại học Văn thì đến. Học xong, Cụ dặn khi nào thành nhà văn nhớn, thì cầm bản thảo này đến... Các lần Cụ thương, Cụ chỉ bảo một tiếng “Được”.

Xuân này trở về vùng quê Cổ Đạm của mình, gần hết một đời văn chương, tôi vẫn chẳng hiểu chữ “Được” của Cụ là thế nào. Đêm trước tôi bật mạng vi tính, mới biết tôi có hàng chục bài thơ được bạn đọc chọn đưa lên mạng, hàng chục trong số hàng trăm truyện ngắn được chọn...

Người ta bảo tôi làm đơn dự chọn giải quốc gia nhà nước. Xứng quá còn gì, hàng trăm bài thơ, hàng trăm truyện ngắn để trao tặng cuộc đời. Nhưng điều gì đó khiến tôi chần chừ.

Bến sông Cổ Đạm lúc này lạnh ngắt. Thảy dấu tích đình đá, ngựa đá, bàn đá, chó đá xưa đã tan vào bể dâu. Tôi chọn gốc cây, bày tờ báo mới, làm lễ “dâng văn” lên những người xưa.

Ba truyện ngắn tôi đút vội vào tay nải đem về đây, được các nhà văn và bạn đọc biết đến, được tung lên mạng, giờ như ba chiếc lá lạ rơi trên mặt đất. Buồn cười và đúng hơn, đó như ba con chó bột nhuộm phẩm kinh dị, quê tôi gọi là con cu gừng, con nghệ, Bắc gọi là con tò he, mà ông già tóc bạc năm xưa bày bán trên đất, trước cửa chợ Cổ Đạm...

Chẳng có hương, cầm bút vái ba vái. Hình như tôi gọi hồn ba cụ Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ và Nguyễn Tuân nhiều lắm.

Khói nước từ bến Cổ Đạm ùn lên. Người túa mồ hôi như tắm. Tiếng tom chát, tiếng phách từ bến Cổ Đạm cũng ùa lên, như một sự cứu rỗi của nghệ thuật:

Hồng hồng tuyết tuyết, mới ngày nào chửa biết cái chi chi...

Muốn thốt lên: “Thưa các cụ, đời văn chúng cháu cũng vậy... Chửa biết cái chi chi ạ!”.

Vậy là sau một đời lưu lạc, cuối cùng tôi đã về được chính quê mình: Làng Cổ Đạm thân yêu, tận chốn ả đào...

Ngoài sân hát , cánh đào xuân có mầu đỏ thắm lạ lùng .

**************** Hãy cùng chia sẻ với bạn bè bằng cách ****************

Copy đường link dưới đây gửi đến nick yahoo bạn bè!

Bài Viết Ngẫu Nhiên:
  • tNumber2Text - Chuyển số thành chữ
  • Code Photo Viewer
  • Skin WMP - United States Air Force - Cực Đẹp
  • Share Code sieuthimaytinhxachtay.com.vn
  • Watchmen The End Is Nigh Part 2
  • Download Office 2003 miễn phí để trải nghiệm những tính năng mới này
  • Xã Hội Mở Và Những Kẻ Thù Của Nó
  • MYB Systems Mind Your Business 4.2
  • Hide The IP 2009
  • [CF] - Wall Hack...[NEW]...

  • Hiện chưa có lời bình nào cho bài viết này.

    Gởi Ý Kiến
    Hình vui
    [smile] [confused] [cool] [cry]
    [eek] [angry] [wink] [sweat]
    [lol] [stun] [razz] [redface]
    [rolleyes] [sad] [yes] [no]
    [heart] [star] [music] [idea]
    Có thể dùng BBCode
    Tự nhận Link
    Hiển thị Smilies
    Ẩn comment
    Tài khoản:   Mật khẩu:   Đăng Ký?