Đóng lại!  Bạn chưa là thành viên của Blog 12B TVT. Hãy click vào đây để đăng ký làm thành viên và tham gia viết bài nhé!

Câu Chuyện Triết Học - Will Durant

[ 2009-07-29 00:25:34 | Tác giả: bvl91 ]
Cỡ chữ: Lớn | Bình thường | Nhỏ

“CÂU TRUYỆN TRIẾT HỌC” VÀ… TRIẾT HỌC
NHƯ MỘT CÂU CHUYỆN

Thật tài tình và thú vị khi Will Durant (1886-1981) đặt tên cho công trình lịch sử triết học của mình là “The Story of Philosophy”. Lịch sử triết học vốn khét tiếng là khô khan và nhức đầu! Will Durant có cái nhìn khác: nó rất hấp dẫn, lôi cuốn, nhất là với những ai có tính tò mò, “ham chuyện” như chúng ta. Với ông, ở đây ta có một câu chuyện thật gay cấn và đáng để được kể lại cho nhiều người nghe dưới hình thức một câu truyện!

Viết lịch sử triết học như một câu truyện là nghệ thuật cao cường của tác giả. Dễ hiểu tại sao “Câu truyện” này lại thành công ngoạn mục đến thế! Từ khi ra mắt vào năm 1926, trong vòng 40 năm (1976), tác phẩm đã được tái bản đến 28 lần, và đến nay (đầu 2008) không biết đã đến lần thứ bao nhiêu! Công trình không chỉ mang lại tiếng tăm rộng rãi cho tác giả mà, từ lần xuất bản đầu tiên, đã giúp tác giả có đủ phương diện tài chính để cùng bà vợ yêu (vốn là một học trò cũ khi W. Durant còn dạy học ở New York) du khảo khắp năm châu ngay từ năm 1927, và trong suốt 40 năm trời, cùng nhau hoàn thành thêm công trình đồ sộ có một không hai: 11 tập cho một “Câu truyện” rộng hơn: “The Story of Civilization” (New York – 1935-1975) (Câu truyện lịch sử văn minh (thế giới)) mà bản thân ông gọi là một “Integral History” (một “Tổng sử” của loài người!). Các công trình ấy – cùng với nhiều tác phẩm khác cũng nổi tiếng không kém, nhất là các quyển “The Lessons of History”/Các bài học của lịch sử, 1968 và Interpretation of Life: A Survey of Contemporary Literature/Lý giải cuộc đời: Tổng quan văn học đương đại, 1970 – đã làm cho tên tuổi hai ông bà Will Durant và Ariel Durant trở thành bất tử như một cặp tình nhân-học giả tuyệt đẹp và hiếm có xưa nay.

Tuy nhiên, Will Durant, xuất thân là một ông nghè triết học của đại học Columbia, Hoa Kỳ từ năm 1917, không chỉ khéo léo về phương pháp viết lịch sử triết học như một Câu truyện mà còn có đủ thẩm quyền chuyên môn để hiểu bản chất của lịch sử triết học (Tây phương) như một câu chuyện. Đó quả là một câu chuyện đúng nghĩa vì đầy những tình tiết éo le, những thăng trầm kịch tính, những đường chim nẻo nguyệt của tâm thức con người được chưng cất ở mức độ đậm đặc nhất. Và cũng chính vì được chưng cất ở mức độ đậm đặc nhất, nên tác giả – với tư cách một nhà giáo chuyên nghiệp và hơn thế nữa, một chiến sĩ xã hội ngay từ 1905 luôn đấu tranh cho quyền lợi và quyền học vấn của người lao động – thấy mình có vai trò và trách nhiệm làm người trung gian giữa cuộc “đại đối thoại” của các “thốn tâm thiên cổ” (“tấc lòng để nghìn đời”) ấy với quảng đại quần chúng. Trong Lời Tựa với nhan đề “Về các lợi ích của Triết học” (tiếc rằng không có trong bản dịch này), ông viết: “Tri thức con người đã trở nên quá rộng đến độ không thể xử lý nổi…: kính viễn vọng phát hiện những ngôi sao và những thiên hà mà đầu óc con người không thể đếm xuể hay đặt tên; địa chất học nói về hàng triệu năm, trong khi trước đây ta chỉ nghĩ đến con số hàng nghìn; vật lý học tìm ra cả một vũ trụ trong nguyên tử, còn sinh vật học tìm ra một tiểu vũ trụ trong tế bào; sinh lý học phát hiện sự huyền vi khôn lường trong từng mỗi cơ quan và tâm lý học trong từng mỗi cơn mơ; nhân loại học tái tạo thời tiền sử của con người; khảo cổ học khai quật những đô thành đã bị tan thành mây khói và những xứ sở đã bị lãng quên; sử học chứng minh bao câu chuyện là sai… còn thần học thì đang đổ vỡ…”.

“Tri thức con người đã trở nên quá lớn đối với trí tuệ con người. “Những sự kiện” đã thế chỗ cho sự cảm thông và kiến thức – vỡ vụn ra thành hàng nghìn mảnh – không còn là sự minh triết được tích hợp lại nữa rồi. Môn khoa học nào và chuyện ngành triết học nào cũng phát triển một thuật ngữ chuyên môn chỉ dành riêng cho một ít kẻ đặc tuyển: người càng học rộng hiểu nhiều càng không biết làm cách nào để giãi bày cho đồng bào mình những gì mình đã học được".

Vì thế, với tấm lòng chân thành và cởi mở của một học giả đích thực, W. Durant xác định rõ mục đích của quyển sách này là làm cho người bình thường hiểu được những ý tưởng cao xa của triết học. Ông xem khoa học như là sự “phân tích”, còn triết học như là sự “tổng hợp”. Vì thế, ông kết luận: “Khoa học là sự mô tả kiểu phân tích, trong khi triết học là sự lý giải kiểu tổng hợp. Vì lẽ, một sự kiện không bao giờ là hoàn chỉnh trừ khi được đặt vào mối quan hệ với một mục đích và với cái toàn bộ. Khoa học mang lại cho ta kiến thức, nhưng chỉ có triết học mới có thể cho ta sự hiền minh”.

Sự “hiền minh” đối với một người đọc bình thường như chúng ta là không việc gì phải khổ sở vò đầu bứt tóc trước những thuật ngữ tối tăm và những lập luận rắc rối của các triết gia! Nhưng cũng sẽ thiếu… hiền minh nếu bỏ lỡ cơ hội được nghe kể một câu chuyện tâm tình dài dòng mà hấp dẫn, để ít ra được an ủi rằng các đầu óc vĩ đại nhất của nhân loại cũng có những băn khoăn, thắc mắc chẳng khác gì mình, chỉ có điều họ có thể kết chúng lại thành một chuỗi lấp lánh những hạt ngọc hiền minh đáng cho chúng ta suy ngẫm. Tôi xin hiến ngay ở đây cho bạn đọc một vài hạt ngọc dễ dàng tìm được trong bộ sách này (Bộ sách gồm hai tập. Bản dịch này chỉ mới là tập I từ Platon đến Nietzsche; tập II giới thiệu triết học hiện đại Âu Mỹ gồm các tác giả: Henri Bergson, Benedetto Croce; Bertrand Russell, George Santayana, William James, John Dewey và một bài “kết luận” rất ý vị khi so sánh hai “tính khí” khác nhau: Mỹ: cá nhân chủ nghĩa và ham hố # Châu Âu: trầm tư và nghệ sĩ):

- Chắc ta đồng ý với Plato rằng các chính khách cầm quyền cần được huấn luyện kỹ lưỡng như khi đào tạo một bác sĩ y khoa!

- Aristotle: biết bao cuộc tranh luận dài dòng có thể tóm tắt thành một đoạn ngắn nếu các kẻ tranh luận dám định nghĩa rõ ràng chữ nghĩa của họ!

- Francis Bacon: Môn giả kim đã trở thành hóa học, môn chiêm tinh đã trở thành thiên văn học và các câu chuyện thần thoại về những con vật biết nói đã trở thành môn động vật học!

- Spinoza: Thù ghét là thừa nhận sự yếu kém và sự sợ hãi của mình. Ta đâu có thèm thù ghét một kẻ thù mà ta biết chắc là sẽ dư sức đánh thắng!

- Voltaire: Thượng đế tạo ra đàn bà chỉ là để thuần phục đàn ông! (“mankind” ở đây là “đàn ông” hay cả… nhân loại?!).

- Kant: đối diện với cám dỗ, ta có “mệnh lệnh luân lý” ở trong ta như là lời mách bảo của lương tâm!

- Hegel: Ý tưởng hay tình huống nào trong thế gian cũng đều nhất định dẫn tới cái đối lập của nó, rồi hợp nhất với nó để tạo ra một toàn bộ cao hơn hay phức tạp hơn!

- Schopenhauer: Dẫn đạo thế giới là ý chí, vì thế mà có nỗ lực, có bi kịch. Ý chí là bản chất của con người!

- Herbert Spencer: sáng chế ra mấy chữ: “đấu tranh sinh tồn” và “ưu thắng liệt bại”. Có thể dùng chúng để giải thích mọi sự mọi vật!

- Nietzsche: Nếu thế, thì sự cứng rắn sẽ là đức tính tối thượng, còn yếu đuối là sai lầm duy nhất!

- Henri Bergson: trước nay, ta chỉ là chiếc đinh ốc trong cổ máy vô hồn; bây giờ, nếu muốn, ta có thể tham gia viết một chương trong vở kịch của sự sáng tạo!

- Benedetto Croce: Cái đẹp là sản phẩm tinh thần về một hình ảnh (hay một chuỗi hình ảnh) chộp được bản chất của sự vật được nhìn thấy!

- Bertrand Russell: Hận thù và chiến tranh phần lớn là do những định kiến và lòng tin giáo điều!

- George Santayana: Các cuộc cải cách luôn có các kết quả nước đôi, vì chúng tạo ra các định chế mới, mà hễ có định chế mới thì ắt có những sự lạm dụng mới!

- William James: Các kết quả sẽ trắc nghiệm các ý tưởng!

- John Dewey: trong xã hội công nghiệp, nhà trường nên là một công trường và một cộng đồng thu nhỏ; nên dạy học bằng thực hành và bằng việc “thử và sai”. Cần nhận thức lại về giáo dục: giáo dục không đơn thuần là một sự chuẩn bị cho sự trưởng thành mà như là một sự tăng trưởng không ngừng của đầu óc và một sự khai minh liên tục về cuộc đời”…

Bạn đọc còn có thể tìm thấy nhiều hạt ngọc hiền minh hơn nữa trong quyển sách này, và đó cũng đủ là lý do để tất cả chúng ta biết ơn tác giả và nhất là hai dịch giả Trí Hải và Bửu Đích (Nha Tu thư và Sưu khảo, Viện Đại học Vạn Hạnh, In lần thứ nhất, Sài Gòn, 1971) đã cung cấp cho bạn đọc tiếng Việt một bản dịch tuyệt vời.

Giáng sinh 2007
Bùi Văn Nam Sơn

http://www.mediafire.com/download.php?ojmjyg44tyn

**************** Hãy cùng chia sẻ với bạn bè bằng cách ****************

Copy đường link dưới đây gửi đến nick yahoo bạn bè!

Bài Viết Ngẫu Nhiên:
  • lịch sử nhạc ROCK ..
  • Juice.Mania.v1.0 - Cô bán hàng dễ thương!
  • One Piece - Đảo Hải Tặc (Chapter 1-> 518 Tiếng Việt)
  • Chinh đồ Web cho anh em chinh đồ khi bị đóng cửa
  • Chùm ảnh: Bánh cưới - bức tranh tả thực
  • Internet Tweak 4
  • Pinnacle Hollywood FX - 2669 Effects (2003-2009)
  • Tình Cha
  • SofaControl v2.9.1510 - bạn có thể làm những gì với 6 phím bấm?
  • Đổ mực máy in

  • Hiện chưa có lời bình nào cho bài viết này.

    Gởi Ý Kiến
    Hình vui
    [smile] [confused] [cool] [cry]
    [eek] [angry] [wink] [sweat]
    [lol] [stun] [razz] [redface]
    [rolleyes] [sad] [yes] [no]
    [heart] [star] [music] [idea]
    Có thể dùng BBCode
    Tự nhận Link
    Hiển thị Smilies
    Ẩn comment
    Tài khoản:   Mật khẩu:   Đăng Ký?