Đóng lại!  Bạn chưa là thành viên của Blog 12B TVT. Hãy click vào đây để đăng ký làm thành viên và tham gia viết bài nhé!

Gặp lại người mơ làm Thủ tướng năm 40 tuổi

[ 2009-09-01 03:30:28 | Tác giả: bvl91 ]
Cỡ chữ: Lớn | Bình thường | Nhỏ

Trương Đình Anh, Tổng giám đốc FPT Telecom là một tuýp người gây nhiều tranh cãi. Nhiều người biết đến Đình Anh qua tuyên bố nổi tiếng các đây 10 năm : “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”.
12bmemory.tk  http://nguoilanhdao.net/Modules/CMS/Upload/34/2009_2_5/35CCA1577D_30165968_TDAnh8207.jpg
Đến nay, 50% ước mơ của Trương Đình Anh đã trở thành hiện thực, 50% còn lại đã thay đổi nhưng những điều gây nhiều tranh cãi và bất ngờ về Trương Đình Anh thì vẫn tiếp diễn. Phát triển nhanh, tốc độ truy cập... Rùa

Năm 1997, Trung tâm Internet FPT do Trương Đình Anh làm Giám đốc được thành lập. Chỉ sau đó 1 năm, Trương Đình Anh đã thực sự khuấy động thị trường Internet dial up với những chiêu cạnh tranh đặc biệt (vào thời điểm đó): thuê nhân viên giao dịch là những cô xinh như người mẫu, gửi xe miễn phí, khuyến mại ào ạt (điều chưa từng xảy ra trên thị trường viễn thông Việt Nam)...
Bên cạnh đó, FPT Internet cũng là công ty đầu tiên tung ra dịch vụ Internet trả trước. Chính nhờ những “chiêu thức” độc đáo, FPT Internet đã đạt tới đỉnh cao của thị trường Internet dial up vào năm 2002 với việc tạo ra tới 1 tỷ phút điện thoại cố định chiếm tới 10% tổng sản lượng điện thoại cố định toàn Việt Nam (VDC cũng chỉ tạo ra 1,5 tỷ phút), có ngày số tiền nạp thẻ Internet prepaid của FPT lên tới 1 tỷ đồng/ngày. Trong khi đó FPT thực tế hoàn toàn lép vế về năng lực so với VDC do phải thuê lại đường truyền của VDC để kinh doanh Internet.
Tuy nhiên, đạt tốc độ tăng trưởng phi mã cũng đi kèm với những “danh tiếng phi mã” về chất lượng dịch vụ Internet dial up. Những chuyên gia trong ngành thường có những giai thoại về khuyến mại Internet của FPT như: Nếu FPT miễn phí 1h truy cập thì bạn phải mất ít nhất 2h để vào mạng (do liên tục nghẽn), không nên check mail vào lúc FPT khuyến mại vì sẽ mất... hàng giờ, nếu có miễn phí thực sự thì bạn chịu khó... thức đêm mà dùng.
Không chỉ có truy cập Internet dial up của FPT gặp tình trạng tốc độ “Rùa”, việc truy cập Internet dịch vụ ADSL của FPT Telecom sau này cũng rơi vào tình trạng tương tự. Cả hai dịch vụ Internet dial up và ADSL đều giống nhau ở một điểm: tốc độ phát triển thuê bao đạt kỷ lục nhưng số lượng khách hàng phàn nàn về tốc độ truy cập cũng... không chịu kém tốc độ phát triển thuê bao.
Cũng chính bởi lý do này, người tiêu dùng yêu thích Trương Đình Anh và FPT bởi sự đột phá và liều lĩnh nhưng chẳng ưa gì FPT lẫn Trương Đình Anh với chất lượng dịch vụ Internet. Trên thực tế, kể từ khi có FPT cung cấp dịch vụ Internet, giá cả của dịch vụ liên tục giảm, các chương trình khuyến mại từ chỗ không tồn tại đến mức “là một phần tất yếu của Internet”.

Từ 100 triệu đồng đến 100 triệu USD

Năm 1997, Trương Đình Anh trở thành người nổi tiếng nhất FPT và cũng là người nổi tiếng nhất trong số 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm đó (Trương Đình Anh là một gương mặt) với tuyên bố: “Ước mơ của tôi là trở thành tỷ phú năm 35 tuổi và trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi”. Tuyên bố này cũng đem lại cho Đình Anh không ít phiền phức với đủ lời chê bai, bình phẩm từ cả trong lẫn ngoài công ty.
Mười năm kể từ sau tuyên bố đó, Trương Đình Anh đã thực hiện được 50% ước mơ của mình “trở thành tỷ phú tiền Việt (triệu phú USD) năm 35 tuổi”. Trung tâm Internet năm xưa từ chỗ chỉ có 100 triệu đồng doanh thu năm đầu tiên, giờ đã trở thành Công ty cổ phần viễn thông FPT (FPT Telecom) với mục tiêu đạt 100 triệu USD doanh thu vào năm 2008.
Tuy nhiên, số phận của ước mơ “trở thành Thủ tướng năm 40 tuổi” dường như đã tan thành mây khói. Trương Đình Anh thú nhận: “Bây giờ, tôi thấy sống cuộc đời của nhà buôn sung sướng hơn” và cười, nói tiếp: “Làm Thủ tướng... mệt lắm”.
Vào thời điểm hiện tại, “ước mơ” của Trương Đình Anh thực tế hơn rất nhiều. Đình Anh nói: “Năm 2008 chúng tôi sẽ cố gắng hoàn thành mục tiêu đạt doanh thu 100 triệu USD. Đây mới thực sự là giấc mơ của tôi hiện nay kể từ khi cái Trung tâm Internet “chết đói và lỗ chỏng gọng” với doanh thu 100 triệu đồng năm 1997 của chúng tôi được ra đời”.
Rồi Đình Anh bình luận tiếp về ước mơ mới của mình: ”Việt Nam mất 11 năm để được gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), FPT Telecom có lẽ cũng sẽ hoàn thành mục tiêu doanh thu 100 triệu USD sau 11 hoạt động. Đây có lẽ là hành động thiết thực và có ý nghĩa nhất của chúng tôi khi Việt Nam gia nhập WTO”.
Kẻ thuộc “phe đối lập”
Rất nhiều người bình luận: Công ty FPT giống một Hợp chủng quốc và có thể dung nạp được nhiều tính cách khác nhau. Thế nhưng, trong cái “Hợp chủng quốc” ấy, Trương Đình Anh vẫn là một người vô cùng đặc biệt. Một vị Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT nhận xét về Trương Đình Anh: ”Số lượng người ghét Trương Đình Anh trong FPT nhiều không kém số người thích anh ta”.

Những điều ưa thích và ghét nhất?
Điều tôi ưa thích nhất là nhanh chóng thấy được ý tưởng và nỗ lực của mình đem lại những điều có ý nghĩa trong cuộc sống. Là một nhà kinh tế, những ý tưởng chỉ có thể trở thành hiện thực khi bạn có trong tay một quốc gia. Là một nhà tin học, ý tưởng của bạn chỉ cần 01 chiếc máy tính PC. Tôi chọn tin học chính vì điều đó.

Điều tôi căm thù nhất là sự hời hợt, lẫn lộn, khó đánh giá. Chính vì vậy tôi ngại nhất là rửa bát và giặt quần áo - chúng ta rất khó chắc chắn là bát hoặc quần áo đã đủ sạch hay chưa? Khi hỏi ý kiến cá nhân của mình về Trương Đình Anh, ông này nhận xét: ”Trên đời này có 2 loại người không ra gì: Một là loại người không chú ý gì tới cái lý, hai là loại người không chú ý gì đến cái tình. Trương Đình Anh là loại người thứ hai.”. Chúng tôi xin miễn bình luận thêm về nhận xét này. Một lãnh đạo cấp phòng của FPT thì nhận xét về Trương Đình Anh :”Người ta có thể rất thích hoặc ghét cay ghét đắng Trương Đình Anh nhưng không thể không quan tâm tới hắn”.
Bản thân Trương Đình Anh thì tiếp nhận chuyện này một cách khá thản nhiên: ”Khi bắt đầu FPT Internet, chúng tôi có 4 người với doanh thu chỉ 100 triệu đồng/năm. Đến nay FPT Telecom đã có tới 1.300 người, doanh thu hàng chục triệu USD. Với tốc độ phát triển về bộ máy, doanh thu và con người như vậy, nếu tôi không xử sự rành mạch, hợp tình, hợp lý các mối quan hệ thì liệu có thể tập hợp được đông đảo người như thế không? Người ta cứ nói, tôi cứ làm”.
Những câu nói trên đây là câu trả lời đối với nhà báo còn câu nói là Trương Đình Anh đã trả lời thực tại chính FPT và được rất nhiều người tại công ty này biết là: “Chó cứ sủa, đoàn người cứ tiến”.
Tại FPT, người ta vẫn đồn nhau một chuyện thật như bịa về mối quan hệ chú cháu giữa ông Trương Gia Bình và Trương Đình Anh (ông Bình là Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc FPT đồng thời cũng là chú ruột của Đình Anh).
Họp HĐQT, Trương Đình Anh là người duy nhất không đứng lên chào ông Bình khi ông này bước vào phòng. Khi ông chú ruột “lên ruột” với ông cháu thì nhận được câu trả lời: “Điều lệ của HĐQT không có quy định bắt tôi phải đứng lên chào khi Chủ tịch HĐQT bước vào phòng...”.
Chưa hết, khi ông chú phàn nàn trực tiếp về việc công ty của ông cháu ít tổ chức các hoạt động phong trào cho nhân viên thì bị “đốp” ngay: “Có người thì thích khua chiêng gõ mõ khi làm việc, còn tôi thì không thích. Tại sao cứ bắt tôi phải làm cái việc đó. Mỗi người làm theo một cách và tôi cứ làm cách nào cho hiệu quả và nhân viên của tôi vẫn vui vẻ là được”. Ông chú ruột từ lần đó khỏi muốn góp ý với ông cháu.
Bản thân Trương Đình Anh cũng thừa nhận: “Tôi bị coi là “phe đối lập” tại FPT và nhiều người không thích tôi. Nhưng thích hay không thích là chuyện của họ, tôi thì vẫn là tôi thôi”.
Xe, vợ, con và khát vọng . .. chưa hoàn thành
Tại FPT, Trương Đình Anh là người đầu tiên mua ô tô riêng (Mazda 323) và hiện nay cũng là người sở hữu chiếc ô tô xịn nhất tại FPT: Lexus GX470 trị giá tới 140.000 USD. Nhìn bên ngoài, có vẻ như Trương Đình Anh là một tay chơi nổi với việc sắm xe hơi cực xịn để “loè thiên hạ” nhưng thực tế lại không giống như vậy.
Đình Anh nói: ”Các ông Giám đốc khác thì có đủ thứ để mê như chơi tennis, đánh golf, nhậu nhẹt . .. Tôi thì không có những sở thích đó. Tôi thích ô tô và tôi mua chiếc xe mình thích. Thế thôi”. Hàng ngày, “tay chơi” này vẫn mặc áo phông loại bình thường đi làm. Trương Đình Anh cũng không mấy khi đi tiếp khách, giao du hay nhậu nhẹt mà chủ yếu dành thời gian rỗi để đánh.... game online.
Năm 1998, Đình Anh lấy vợ. Bà xã của Đình Anh là một fan của mạng Trí tuệ Việt Nam – mạng do Đình Anh thành lập. Sau hơn một năm quen nhau qua dịch vụ Chat của Trí tuệ Việt Nam, Đình Anh quyết định “từ bỏ cuộc đời tự do”. Tám năm kể từ ngày cuối, vợ chồng Đình Anh liên tục “ra lò” tới 4 cậu con trai. Điều khiến rất nhiều người ngạc nhiên là không hiểu lý do vì sao vợ của Trương Đình Anh, vốn là một phụ nữ có năng lực và năng động (trước khi lấy chồng là Thư ký Giám đốc của Mitsubishi Constrution) lại chấp nhận chỉ ở nhà và... đẻ.
12bmemory.tk  http://nguoilanhdao.net/Modules/CMS/Upload/34/Truong-Dinh-Anh.jpg
Tổng giám đốc FPT Telecom Trương Đình Anh (áo đỏ) - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Thế nhưng, cũng rất ít người biết rằng, ngay sau khi hết việc tại công ty, Trương Đình Anh về thẳng nhà với vợ, chơi với con và gần như không giao du với ai sau giờ làm việc. Đây cũng là một lý do khiến Đình Anh có rất ít bạn bè và không nhận được mối thiện cảm từ chính các đồng nghiệp tại FPT - nơi nổi tiếng với các hoạt động giao lưu và các sinh hoạt mang tính cộng đồng.
Bốn cậu con trai của Trương Đình Anh đều được đặt tên là Anh. Con trai lớn được đặt tên giống hệt bố là Trương Đình Anh, con trai thứ hai là Trương Quốc Anh, con trai thứ ba là Trương Vũ Anh, con út là Trương Hiếu Anh. Giải thích về quyết định sinh con hàng loạt và đều mang tên Anh của 2 vợ chồng, Đình Anh nói: ”Lên 10 tuổi bố mẹ tôi mới có thêm em bé, tuổi thơ của tôi khá buồn vì thiếu bạn chơi. Vì thế, tôi và vợ sinh nhiều con để chúng có bạn chơi với nhau. Chúng tôi đặt tên Anh cho con của mình với kỳ vọng chúng sẽ làm được những điều chúng tôi chưa thể hoàn thành”. Phải chăng Trương Đình Anh hy vọng con trai mình sẽ hoàn tất giấc mơ Thủ tướng mà ông bố thấy mình không thể thực hiện được?
Trương Đình Anh tự bạch

Trương Đình Anh, Hà Nội, 00:30 Thứ Bảy 14.11.1970 (một chút nữa là Thứ Sáu Ngày 13 - ngày đen tối nhất của năm).
Từ nhỏ, tôi được gia đình giáo dục tinh thần tự chủ và độc lập suy nghĩ. Ba má tôi coi những người con của mình là người bạn chứ không phải là một sinh vật do mình tuỳ ý nhào nặn. Những quyết định lớn nhất trong đời như học gì, làm gì, đổi việc làm là do tôi quyết định. Ba má cho tôi kinh nghiệm sống chứ không bảo tôi phải làm gì.
Tôi luôn được các thầy cô giá đánh giá là sáng dạ nhưng rất cứng đầu. Điều tôi khó chịu nhất là những khuôn phép ngăn cản sự sáng tạo và cá tính của con người.
Tôi thừa kế của Ba má những đặc điểm tốt nhất trừ thị lực -5, -2
Từ năm 10 tuổi, theo Ba má sống ở Mát-xcơ-va 5 năm, theo học trường Nga. Tiếng Nga được tôi coi như tiếng mẹ đẻ thứ 2, tiếng Anh mà tôi sử dụng hôm nay cũng học được ở các thầy cô giáo người Nga. Tôi luôn biết ơn và nhớ tới họ. Chính họ đã cho tôi thể lực, phương pháp tiếp thu kiến thức, khả năng giao tiếp cộng đồng - ba điều mà tôi cho rằng có ý nghĩa quan trọng nhất đối với mỗi con người muốn thành đạt.
Tôi chơi thể thao khá giỏi. Đã từng đoạt huy chương đồng Quận Tre-rio-mus-kin (một trong 4 quận của Mát-xcơ-va) môn bóng bàn và là kiện tướng thể thao trẻ cấp II môn cầu lông. Khi vào học trung học, mắt kinh dày hơn đã ngăn trở rất nhiều ham muốn thể thao của tôi. Các trò chơi thể lực đã làm tôi gãy tay phải 1 lần, gãy tay trái 2 lần, 1 lần chấn thương sọ não, một lần chấn thương cơ lưng...
Tôi chọn ngành quản lý kinh doanh du lịch khi học đại học kinh tế. Đến nay, những cảm nghĩ về ngành nghề hồi đó rất mơ hồ, đơn giản chỉ là mode.
Năm đầu tiên, tôi có điểm số 9.4 xếp thứ nhất trong 600 sinh viên cùng khoá
Năm thứ hai, là một trong 10 sinh viên có điểm số cao nhất
Năm thứ ba, không còn được xếp hạng nữa
Năm cuối cùng, bị nhà trường treo bằng một năm vì môn Kinh tế Chính trị - môn học tôi ưa thích và được 10 điểm ở năm thứ nhất. Cùng năm đó, Liên Xô sụp đổ.
Tôi học máy tính như một niềm say mê. Phòng máy tính có điều hoà không khí phảng phất một mùi rất lạ mà chúng ta gọi là mùi Tây - nó gợi nhớ cho tôi Nước Nga một thời thơ ấu. Lúc đó cả trường có 5 chiếc máy tính, được lại gần chúng là cả một mơ ước. Tôi đến xin làm nhân viên gõ số liệu. Giờ phút sung sướng nhất là được sử dụng vi tính tự do khoảng nửa giờ sau 4 tiếng nhập liệu không thù lao.
Năm 1990, tôi có sản phẩm đầu tay là chương trình quản lý tuyển sinh đại học. Tất cả các số liệu được xử lý trong vòng 1 tuần với 7.000 hồ sơ, điều mà năm trước phải mất 2 tuần để xử lý chỉ 3.000 hồ sơ thí sinh. Đó là lần đầu tiên tôi cầm trong tay đồng tiền mình kiếm được - 300.000đ một số tiền rất lớn đối với một sinh viên năm thứ hai.
Tôi có được nơi làm việc đầu tiên ngày 13.11.1991, một ngày trước ngày sinh nhật thứ hai mốt. Tôi vẫn nhớ như in sáng hôm đó má dúi cho tôi mười ngàn đồng để ăn trưa. Tôi đã làm máy tính tại ngân hàng từ ngày máy tính vẫn để dưới đất.
Kỷ niệm vui nhất là Ông Phó Tổng Giám đốc ngân hàng ngày đó coi virus máy tính không khác gì virus sinh học và căn dặn chúng tôi là cần giữ máy tính thật vệ sinh, đừng có để râu không khéo virus phá hết máy tính. Tốt nghiệp đại học, tôi ở lại làm việc tại Ngân hàng Công thương - nơi tôi đã thực tập và làm part time một năm trước đó.
Có thể nói, thời gian này đã đem lại cho tôi những giờ phút làm việc hết sức say mê. Cùng nhiều đồng nghiệp chúng tôi đã làm việc không nghỉ có lần 3 ngày 3 đêm để kịp tiến độ. Đêm thứ 4, giấc ngủ sâu không cưỡng lại được nữa đã làm cho tôi rớt từ trên bàn xuống đất mà không hay biết.
Tôi vô cùng biết ơn Anh Bùi Khắc Sơn (hiện là Tổng Giám đốc Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam), Anh Lê Tấn Lộc (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng SacomBank) là những cấp trên trực tiếp của tôi ở Ngân hàng Công thương. Các Anh đã truyền cho tôi niềm tự tin là có thể tin học hóa một ngành rất bảo thủ như Ngân hàng.
Tôi rời ngân hàng rất nhanh cho dù sếp trực tiếp đã cố giữ. Tôi muốn có một nơi toàn những người trẻ tuổi, tâm huyết và cùng chí hướng - làm cho máy tính thực sự có vai trò đối với kinh tế và phát triển xã hội.
Tôi đã gia nhập gia đình FPT, tiếng nhạc vui nhộn của những người trẻ tuổi tôi nghe được khi dự kỷ niệm sinh nhật công ty lần thứ năm của họ - ngày 13.9.1993 đã thực sự hấp dẫn tôi:
Cùng nhau đi Marketing
Phần mềm như phần cứng
Cầm Customer List
Ta quyết chí hy sinh
Nào Anh em mềm ta
Nhiều khi cũng phải cứng
Còn Anh em phần cứng
Cũng nên có lúc mềm...
Ngày hôm sau, tôi đã là một trong số họ.
Hai năm sau, tôi được giao phụ trách bộ phận nghiên cứu phát triển (R&D) của Công ty. Chính tại đây, chúng tôi đã cho ra đời sản phẩm mạng Trí Tuệ Việt Nam.
Một năm sau nữa, tôi cùng năm đồng sự phát triển Trí Tuệ Việt Nam thành mạng thông tin có nhiều người dùng nhất ở Việt Nam.
Ngày 31.01.1997, chúng tôi, bốn người, trở thành những nhân viên đầu tiên của FPT Internet (tiền thân của FPT Telecom)
Cuối năm 20.12.1998, tôi lập gia đình, bà xã là một fan của Mạng Trí tuệ Việt Nam. Chúng tôi quen nhau qua dịch vụ Chat trên TTVN.
Một năm sau nữa, 40 người anh em của tôi cùng nhau quyết tâm làm cho Internet trở nên thông dụng ở Việt Nam.
Rồi chúng tôi đã cùng nhau lập trên VnExpress.net tờ báo điện tử phổ biến nhất ở Việt Nam, chúng tôi kéo hàng trăm ngàn km cáp để cung cấp dịch vụ Internet băng rộng.
Giờ đây FPT Telecom là một tập thể hơn 1.300 người tiếp tục tự tin với những sản phẩm và dịch vụ mới.
Điều chúng tôi mong muốn là đoàn kết chặt chẽ những nỗ lực riêng lẻ của từng người Việt Nam thông minh cần cù thành một sức mạnh Trí Tuệ Việt Nam.

**************** Hãy cùng chia sẻ với bạn bè bằng cách ****************

Copy đường link dưới đây gửi đến nick yahoo bạn bè!

Bài Viết Ngẫu Nhiên:
  • Youda Marina
  • [English Study] - English File - Intermediate Workbook
  • Share code Gallery Nam Kennic (new) có cả AdminCP
  • Windows 7 Ultimate Original X86 GRP Build 7600.16399.090722-1835
  • “Café, đắng”
  • AquaSoft ScreenShow v3.0.10
  • Dương Thừa Lâm
  • 20 chuyên đề và gần 200 bài tập Giải toán bằng máy tính bỏ túi casio
  • Laura Jones and the Secret Legacy of Nikola Tesla v1.0
  • To Love Ru Chapter 138 Tiếng Việt

  • Hiện chưa có lời bình nào cho bài viết này.

    Gởi Ý Kiến
    Hình vui
    [smile] [confused] [cool] [cry]
    [eek] [angry] [wink] [sweat]
    [lol] [stun] [razz] [redface]
    [rolleyes] [sad] [yes] [no]
    [heart] [star] [music] [idea]
    Có thể dùng BBCode
    Tự nhận Link
    Hiển thị Smilies
    Ẩn comment
    Tài khoản:   Mật khẩu:   Đăng Ký?