Đóng lại!  Bạn chưa là thành viên của Blog 12B TVT. Hãy click vào đây để đăng ký làm thành viên và tham gia viết bài nhé!

[T.Ngắn] - Đôi bàn tay bị hun khói đen

[ 2009-08-09 08:43:23 | Tác giả: bvl91 ]
Cỡ chữ: Lớn | Bình thường | Nhỏ

Vào một ngày nọ của hai năm về trước, tôi lái chiếc xe máy mới mua từ ngoại ô vào, cơ quan tôi nằm trong thành phố.

Đúng lúc đi đến đường Đức Thuận ở quận Tân Hoa, tôi gặp một trận hỏa hoạn xảy ra tại một khu nhà tập thể. Hình như ngọn lửa bốc lên từ tầng 9, khói đen mù mịt tỏa ra từ ô cửa sổ, lúc tôi đến đó ngọn lửa đã lan rộng ra các căn hộ khác.

Từ xa tôi nhìn thấy thấp thoáng mấy viên cảnh sát cứu hỏa, họ đứng từ trên đỉnh tòa nhà và thả dây thừng xuống tầng 9, giải cứu cho từng người qua ô cửa sổ. Đúng là một tin rất nóng bỏng, tôi vội lôi ngay chiếc máy ảnh thường xuyên đem theo bên người và chụp ngay mấy tấm ảnh cảnh sát cứu hỏa cứu dân.

Về nhà tôi đã đi rửa mấy tấm ảnh đó, trong đó có một tấm ảnh chụp cảnh viên cảnh sát người thắt dây an toàn lơ lửng trong không trung đang lôi một em bé gái khoảng ba bốn tuổi trong đám khói đen dày đặc ra khỏi hiện trường.

Toàn cảnh bức ảnh đều rất đẹp, duy nhất chỉ có một điểm không được như ý là ở góc ảnh xuất hiện một đôi bàn tay đen vì bị khói hun, làm xấu cả bức ảnh. Thấy vậy tôi đã dùng photoshop xử lí một chút, xóa đôi bàn tay đen đó đi và gửi tấm ảnh cho tòa soạn báo của thành phố.

Mấy hôm sau, trang đầu tờ báo thành phố đã cho đăng tấm ảnh tôi chụp đó, còn có thêm hàng chữ thuyết minh “giữa lúc lâm nguy thấy anh hùng”, kèm theo còn có một bài viết tuyên dương, ca ngợi tinh thần quả cảm, anh dũng của cảnh sát cứu hỏa thành phố.

Không ngờ tấm ảnh tôi chụp trong lúc vô tình đó đã gây được ảnh hưởng lớn trong thành phố. Sau đó không lâu lại được phóng to và dán ở bản tin tuyên truyền của ủy ban nhân dân thành phố, trở thành một tác phẩm điển hình nêu gương người tốt việc tốt.

Ngay sau đó, biên tập viên của tờ báo đã gọi điện thoại cho tôi và bảo: “Bức ảnh anh chụp đã gây được ảnh hưởng lớn trong dân chúng, tòa soạn đang chuẩn bị gửi đi tham gia cuộc triển lãm ảnh báo chí của tỉnh, rất có hi vọng là sẽ đoạt giải, anh rửa thêm vài tấm nữa nhé”.

Tôi nói: “Cảm ơn cậu nhé. Nếu đạt giải thật thì tớ sẽ chiêu đãi cậu một bữa ở nhà hàng Yến Xuân”.

Sau đó nửa tháng, vào một buổi chiều, tôi dắt xe máy ra khỏi chỗ để xe của cơ quan, chuẩn bị ra ngoài có việc thì phát hiện bánh xe đã xẹp lép không còn chút hơi nào. Bực mình tôi chửi thầm, chất lượng sản phẩm bây giờ tệ quá, xe mới mua mà đã thủng săm. Không còn cách nào khác, tôi đành phải dắt xe ra ngoài để vá.

Hôm sau, vừa dắt xe ra ngoài cổng công ty, tôi lại phát hiện ra xe bị hết hơi. Tình hình sau đó còn tệ hại hơn, cứ dăm ba hôm xe tôi lại bị người ta chọc thủng lốp. Không biết ai có thù oán gì với tôi mà cứ nhằm bánh xe tôi mà chọc nhỉ?

Tôi quyết tâm sẽ phải tìm ra thủ phạm. Và thế là tôi chọn một vị trí ngồi rất hợp lí trong phòng làm việc, vừa viết bài vừa theo dõi nhà để xe. Hai ngày liên tục, không phát hiện ra đầu mối gì, đến ngày thứ ba, vẫn chưa bắt được kẻ đã chọc thủng săm xe.

Đến chiều, trời bắt đầu có mưa lất phất. Tôi nghĩ, trời mưa thế này, chắc nó chẳng đến đâu. Đang định quay người bỏ đi thì tôi nhìn thấy một cậu bé ăn mặc nhem nhuốc lén lút mò vào nhà để xe. Nhìn thấy bốn xung quanh không có ai, nó lôi ngay ra một cái dùi và chọc thẳng vào lốp sau xe máy của tôi mấy nhát với vẻ rất căm hận.

Lốp xe vừa mới vá, giờ lại bẹt dí. Tôi định hô lớn, nhưng lập tức kìm ngay lại. Tôi không hiểu, tôi và cậu bé này từ trước tới nay không hề quen biết, tại sao cậu ta lại có thù oán với tôi. Và thế là tôi quyết định sẽ đi theo cậu bé, xem rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì.

Tôi thấy cậu bé đi dọc theo đường Thủy Tuyền một đoạn rồi rẽ vào một quầy thuốc. Mấy phút sau lại thấy nó đi ra, tay ôm một gói thuốc Bắc trước ngực. Để tránh cho mưa không làm ướt gói thuốc, nó cúi đầu gằm xuống cố để che cho kín. Khi đi qua tấm bản tin tuyên truyền của UBND thành phố, nó nắm một nắm bùn rồi ném thẳng lên tấm kính có bức ảnh tôi chụp.

Hình như chưa hả giận, nó còn xì mũi rồi vẩy ngay lên đó. Rồi nó lại tiếp tục đi, đi qua một đoạn đường khá xa mới rẽ vào một dãy nhà lụp xụp. Tôi biết khu này, chỗ này phần lớn chỉ tập trung người ngoại tỉnh đến thành phố làm thuê hoặc công nhân thất nghiệp.

Cậu bé đẩy tấm cửa rào và bước vào sân, đó là một khoảnh sân cũ nát, chứa toàn đồ phế liệu nhặt trên phố, lon bia, sắt vụn, vải nhựa...Nhìn ngôi nhà nhỏ trong sân đó, ít nhất cũng đã phải có từ mấy chục năm, cột nhà bị khói hun đen bóng...

Tôi đẩy cửa vào thì thấy cậu bé đang lom khom bên bếp lò, bàn tay nhỏ đen đuốc gầy gò đang quạt lò bằng cái quạt mo. Mùi thuốc Bắc tỏa khắp nhà, nằm trên giường là một người đàn ông độ tuổi trung niên người gầy như que củi, có một cô bé chừng bốn năm tuổi đang cho ông ta uống thuốc. Phòng ốc bừa bộn vô cùng.

Thấy tôi bước vào, cậu bé tỏ rõ vẻ sợ hãi, theo bản năng cậu ta lùi ngay vào góc tường. Nhìn thấy tôi, người đàn ông đó gắng sức ngồi dậy, gương mặt xanh xao cố nở một nụ cười, ông ta nhìn tôi rồi bảo, “anh vào đi, mời anh ngồi”.

Tôi thực sự không tìm được chỗ nào để ngồi, nhưng rồi cũng đành ngồi lên một chiếc hòm cũ kĩ. Người đàn ông nhìn cậu bé đang đứng ở góc tường, dường như hiểu ra được điều gì: “Có phải thằng Cường lại gây sự gì ở ngoài rồi không?”.

Đúng là tôi định tìm cha mẹ cậu bé để mách tội, để họ phải chú ý giáo dục con. Nhưng đứng trước hoàn cảnh này, tôi cố gắng kìm chế vẻ bực mình và bảo: “Không, không có gì đâu”.

“Thế thì tốt, thế thì tốt. Tôi cũng chẳng sống được mấy ngày nữa, chỉ khổ nó thôi”.

“Mẹ bọn trẻ đi đâu rồi bác?”.

“Chết rồi. Chết trong vụ hỏa hoạn năm kia. Nghe nói có một anh nhà báo có chụp một bức ảnh, trong đó có đứa con gái của bà ấy”. Người đàn ông đưa mắt nhìn đứa con gái, cô bé sụt sịt vừa khóc vừa kể: “Vụ cháy đó là do cháu gây nên. Cháu thấy đói, bố cháu lại không làm được việc gì, cháu đã tự bật bếp nấu mì tôm ăn. Thế là lửa cháy lan ra”. Lời kể non nớt của cô bé tỏ rõ sự ân hận, tự trách.

“Mẹ về đến nhà thì lửa đã lan ra rộng lắm rồi. Mẹ cháu đưa bố và anh ra ngoài cửa sổ trước, rồi lại lôi cháu từ góc tường ra ngoài và giao cho các chú cảnh sát, nhưng sau đó mẹ cháu không ra ngoài được nữa. Vì cứu cháu mà mẹ cháu phải chết, cháu đã hại chết mẹ!”. Nghe cô bé kể mà tim tôi đập thình thịch.

Người đàn ông hình như đã chai sạn với mọi thứ, ông ta thở dài rồi nói: “Bà ấy là mẹ đẻ của con bé này, là mẹ hai của thằng Cường. Bình thường thằng Cường chỉ thích gây chuyện với hai mẹ con nó, nhưng giờ thì ổn rồi, nó rất thương em, cũng coi như mẹ nó đã xả thân một lần để cứu nó”.

Trên bức tường đối diện là bức ảnh chụp cả gia đình, xộc xệch, nghiêng ngả. Người phụ nữ trong ảnh tầm tuổi trung niên, trông chị rất bình thường, nếu gặp trên đường sẽ thấy chị thật sự không có gì nổi bật. Nhưng trong khoảnh khắc ngàn cân treo sợi tóc đó, chị đã mang hi vọng sống đến cho người có quan hệ ruột thịt và cả người không có quan hệ ruột thịt với mình.

Người đàn ông ngừng một lát rồi nhìn tôi bằng ánh mắt nghi ngờ, anh đến đây chắc chắn là phải có việc gì. Cậu bé tên Cường nhìn tôi với ánh mắt lo lắng, chờ đợi, hình như cậu định nói gì đó, nhưng mở miệng ra lại thôi. Tôi biết, cậu ta là chỗ dựa duy nhất cho cả gia đình, tôi không thể kể việc cậu đã làm cho bố cậu biết. Em gái cậu còn quá nhỏ, chưa hiểu gì, còn bố cậu cũng đã quá mệt mỏi rồi.

Tôi do dự một lát và nghĩ ra một kế rồi bảo, “Cường trong lúc nhặt phế liệu đã nhặt được của rơi và trả lại người mất. Tôi đến đây để cảm ơn em và bác”. Người đàn ông gật đầu với vẻ hài lòng, “nhà này bây giờ chỉ dựa vào đồng tiền nhặt phế liệu của nó để sống cho qua ngày mà thôi”.

Tôi rời khỏi ngôi nhà đó mà lòng nặng trĩu. Mưa vẫn rơi tí tách như nước mắt của cô bé em gái Cường.

Đột nhiên, có tiếng người gọi với theo tôi: “Chú ơi, chú đợi cháu”.

Quay đầu lại, hóa ra là Cường đang chạy theo tôi. Cậu ta dúi nắm tiền vào tay tôi và bảo: “Tiền của chú, cháu không thể lấy. Cháu có tiền, tiền cháu kiếm cũng đủ tiêu cho cả nhà rồi. Tháng này cháu còn tiết kiệm được 121 tệ 4 hào 5 xu nữa. Lúc đầu cháu rất hận chú, bây giờ thì cháu đã hiểu, chú là người tốt!”.

Tôi xoa đầu Cường và bảo: “Cường, cháu không sai, nếu chú là cháu, không những chú sẽ chọc thủng mà còn chọc nát cả săm xe ấy chứ”. Cường cười ngượng nghịu và tiếp tục giải thích, “Tấm ảnh và bài viết tuyên truyền trong thành phố đó, không hề nhắc đến tên mẹ cháu, mẹ cháu mới là anh hùng thực sự! Bọn cháu gọi điện cho cảnh sát cứu hỏa, một tiếng sau họ mới đến. Nếu họ đến sớm hơn thì mẹ cháu đã không chết”. Trong làn mưa, tôi không thể nói gì hơn, đây là nguyên nhân khiến Cường tìm cách trả thù tôi.

Ngừng một lát, Cường nói với tôi bằng giọng cầu khẩn: “Cho cả mẹ cháu vào nữa, được không chú?”. Tôi gật gật đầu.

“Chú có thể giúp cháu được gì không? Cứ nói đi, đừng ngại, cháu là một đứa bé ngoan”.

“Chú tìm cho em gái cháu một gia đình nhận nuôi nó, em cháu ngoan lắm. Cháu sợ là cháu không nuôi nổi em gái cháu nữa”. Tôi lại gật gật đầu. Thấy vậy Cường nở một nụ cười tươi rói, rồi cậu cảm ơn tôi và biến mất trong làn mưa.

Về đến nhà, tôi đã rửa lại tấm ảnh đó và giữ nguyên ảnh gốc, đôi bàn tay bị khói hun đen đó đã trở thành tiêu điểm của bức tranh, tôi đặt tên cho bức ảnh là: “Sự lựa chọn của mẹ”.

**************** Hãy cùng chia sẻ với bạn bè bằng cách ****************

Copy đường link dưới đây gửi đến nick yahoo bạn bè!

Bài Viết Ngẫu Nhiên:
  • Family Tree Maker 2009 - Xây dựng cuốn "gia phả" số
  • Thủ thuật máy tính số 20 (Thứ hai 7-7-2008)
  • Ông già No-en nhảy múa trên Desktop
  • Họa bì
  • Streets of Moscow-SKIDROW [PC/2009/ENG]
  • CDBurnerXP Pro 4.2.4.1420 Portable
  • Windows 7 Activation Tool Kit BETA 1.8 -Orbit30
  • Bọn em xjn chịu "nếm mùi"
  • 1000 font chữ đẹp
  • Tổng hợp các công cụ web tuyệt vời và không thể thiếu cho các Webmaster

  • Hiện chưa có lời bình nào cho bài viết này.

    Gởi Ý Kiến
    Hình vui
    [smile] [confused] [cool] [cry]
    [eek] [angry] [wink] [sweat]
    [lol] [stun] [razz] [redface]
    [rolleyes] [sad] [yes] [no]
    [heart] [star] [music] [idea]
    Có thể dùng BBCode
    Tự nhận Link
    Hiển thị Smilies
    Ẩn comment
    Tài khoản:   Mật khẩu:   Đăng Ký?